Bà Trezelene Chan - Giám đốc Phát triển bền vững châu Á Thái Bình Dương (Khối thực hành chuyển đổi bền vững thuộc Kantar) - cho biết, cứ 4 người trên toàn cầu thì có 1 người theo chế độ ăn chay linh hoạt. Trong khi đó, số lượng người ăn thuần chay chỉ chiếm 7% dân số thế giới.
Số liệu này báo hiệu sự tăng trưởng của ngành thực phẩm có nguồn gốc thực vật trên toàn thế giới. Thực phẩm từ thực vật hiện đang là cơ hội kinh doanh tiềm năng. Cơ hội toàn cầu này được dẫn dắt bởi thị trường châu Á, tính đến năm 2030 sẽ đóng góp 40% giá trị của ngành thực phẩm từ thực vật, tăng 25% so với hiện tại. Đến năm 2030, ngành hàng này sẽ tăng gấp 5 lần và đạt thị trường trị giá 162 tỉ USD xét trên quy mô toàn cầu.
“Ngành hàng này sẽ tăng vọt tại thị trường châu Á Thái Bình Dương (APAC), Việt Nam lọt top 4 thị trường dẫn đầu. Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao để trở thành quốc gia dẫn đầu về thực phẩm có nguồn gốc thực vật tại APAC” - bà Trezelene Chan nhấn mạnh.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chọn sản phẩm thực vật, sản phẩm bền vững - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Đối tượng chính thúc đẩy xu hướng này là nhóm người tiêu dùng trẻ, ở thành thị và có mức thu nhập khá. 72% người tiêu dùng theo chế độ dinh dưỡng từ thực vật tại Việt Nam có mức thu nhập từ khá đến cao. 2/3 người dùng trẻ tại Việt Nam cố gắng bổ sung các sản phẩm thay thế thịt vào chế độ ăn.
“61% người tiêu dùng Việt chọn thực phẩm thực vật vì họ tin rằng chúng tốt cho sức khỏe hơn. 86% người dùng Việt Nam có khuynh hướng chiều chuộng bản thân và 75% người sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững” - đại diện Kantar cho hay.
Tiến sĩ Andrea Glenn (khoa Dinh dưỡng Đại học Harvard, Hoa Kỳ) khuyến nghị: “Thay thế một số đạm động vật trong khẩu phần ăn bằng nguồn đạm thực vật giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh về tim mạch. Chế độ ăn dinh dưỡng thực vật lành mạnh giúp ngăn ngừa béo phì, bệnh đái tháo đường type 2 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch...”.
Theo PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - nguyên tắc ăn uống phòng bệnh không lây nhiễm là giảm/hạn chế chất béo, chất béo bão hòa, axit béo, đường, muối, thực phẩm chế biến... Đồng thời, tăng rau xanh, chất xơ, các loại hạt, đậu và thực phẩm giàu Omega-3, sắt, i ốt, kẽm, men vi sinh...
Nguyễn Cẩm