Không chỉ khách vay bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ, nhiều người cũng tố rằng khoản tiền gửi tiết kiệm sau nhiều năm tích cóp đã bị "hô biến" thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Dù thông tin phản ánh của những nạn nhân tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm qua, nhưng dường như cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm chưa nghe thấu hoặc không mấy bận tâm.
Nhiều năm nay, các thông tin tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát thị trường bảo hiểm, cấm và xử nghiêm hành vi ép mua bảo hiểm... được cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm phát đi ra rả. Thế nhưng, người dân và doanh nghiệp vẫn luôn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ khi đi vay vốn.
Có lẽ, khoản "lót tay" hàng ngàn tỉ đồng từ các hợp đồng độc quyền được ký với các công ty bảo hiểm nhân thọ là mỏ vàng mà các ngân hàng không thể bỏ qua, chỉ có khách vay, nạn nhân bất đắc dĩ, mới phải lãnh đủ.
Và chỉ khi có quá nhiều người bức xúc lên tiếng, các cơ quan truyền thông đồng loạt phản ánh, Bộ Tài chính mới vào cuộc thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Không ngoài dự đoán, kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng có hợp tác với công ty bảo hiểm như không tư vấn trực tiếp cho khách, bán bảo hiểm nhưng chưa qua đào tạo, cho nhân viên ngân hàng mượn mã số đại lý bảo hiểm nhân thọ để bán bảo hiểm...
Thậm chí, nhân viên ngân hàng, đại lý bảo hiểm còn giả cả chữ ký của khách hàng trong giấy tờ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm... Tỉ lệ "bỏ cuộc" chỉ sau một năm đầu đóng phí dao động từ 30 - 73%, cũng có nghĩa là hàng chục ngàn hợp đồng bảo hiểm bị hủy và mất hiệu lực, hàng ngàn tỉ đồng của khách hàng bị mất trắng.
Điều đáng ngạc nhiên là theo kết luận thanh tra, số lượng đại lý bảo hiểm và nhân viên ngân hàng sai phạm không nhiều, các sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng là không đáng kể, cá biệt vài trường hợp... Lãnh đạo của một số doanh nghiệp bảo hiểm liên quan cũng lên báo "thanh minh, thanh nga" rằng đã xử lý nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm.
Trước đó, sau khi Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cho biết sẽ thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm trong những tháng cuối năm, kể cả nhân thọ và phi nhân thọ.
Nhiều người dân và doanh nghiệp - những nạn nhân bị ép mua bảo hiểm nhân thọ bất đắc dĩ - hy vọng Bộ Tài chính không "đánh trống bỏ dùi", mà phải đi tới cùng, chỉ rõ đầy đủ sai phạm của từng doanh nghiệp, xử lý nghiêm những cá nhân và doanh nghiệp vi phạm, đồng thời có các giải pháp để chấm dứt tình trạng công ty bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng thương mại liên kết với nhau để bắt chẹt khách vay vốn.
Năm 2022 Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm, cũng là năm phong trào bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurane) cực thịnh, Tuổi Trẻ đã vào cuộc điều tra và phơi bày mặt tối.