Khi bị tòa thẩm vấn, hai bị cáo là cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng và cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế đều khẳng định "không đưa tiền nhận hối lộ cho ai". Cựu trợ lý khai nhận 4,2 tỉ, còn cựu thư ký nhận số tiền lên đến 42 tỉ.
Phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu" tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo là các cựu quan chức của nhiều bộ ngành về hành vi nhận hối lộ. Tất cả các cựu quan chức bị thẩm vấn đều thừa nhận hành vi nhận tiền từ các doanh nghiệp để cấp phép chuyến bay hoặc cách ly.
Đáng chú ý, tòa cũng tập trung xét hỏi làm rõ hai bị cáo Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý của nguyên phó thủ tướng và Phạm Trung Kiên - cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, sau khi nhận hối lộ có đưa tiền cho ai khác.
Ông Tô Anh Dũng nói "không đòi hỏi"
Quan chức cao nhất bị ra tòa trong vụ án này là ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trả lời thẩm vấn đầu tiên trong nhóm bị cáo thuộc Bộ Ngoại giao, ông Dũng tỏ ra khá lúng túng, nhiều câu hỏi ông nói "không nhớ chi tiết".
Ông Dũng khai với chức vụ là thứ trưởng, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác năm bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng). Bị cáo thừa nhận do biết vai trò của mình, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề được giúp đỡ giải quyết các thủ tục liên quan cấp phép.
"Bị cáo có tiếp xúc với một số doanh nghiệp là những doanh nghiệp đã nêu trong kết luận điều tra. Bị cáo không chủ động mà các doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ công tác và nhu cầu tìm gặp. Do bị cáo nể nang và cũng muốn gặp nghe xem họ có vướng mắc gì không", ông Dũng phân trần.
Theo ông, những lần đầu khi doanh nghiệp đến gặp thì "chỉ hỏi thăm năng lực và hướng dẫn họ đến Cục Lãnh sự làm thủ tục chứ không ra điều kiện gì". Tuy nhiên sau các cuộc gặp trên, doanh nghiệp được tạo điều kiện trong cấp phép. Sau khi tổ chức chuyến bay, các doanh nghiệp tiếp tục tìm gặp ông Dũng và đưa tiền cảm ơn.
Giải thích cho hành vi nhận tiền của mình, ông Dũng nói: "Sau khi các doanh nghiệp tổ chức bay xong thì họ chủ động liên hệ bị cáo. Bị cáo không có mưu đồ, không đòi hỏi gì. Doanh nghiệp họ đến tiếp xúc bị cáo để cảm ơn".
Mặc dù nhiều lần khai "không đòi hỏi" nhưng cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp "lót tay" hàng chục tỉ.
Ông Dũng khai lần đầu tiên, tại phòng làm việc của mình ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp bà Hoàng Diệu Mơ (tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với Hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo.
Cựu thứ trưởng có tám lần nhận hối lộ của nữ tổng giám đốc Diệu Mơ với tổng số tiền 8,5 tỉ đồng. Trong đó, sáu lần ông Dũng nhận tiền tại phòng làm việc và hai lần nhận tiền ở gần cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.
Với các doanh nghiệp khác, ông Dũng nhận người nhiều thì 5 tỉ, người ít cũng 25.000 USD. Những lần nhận tiền này cũng diễn ra tại phòng làm việc của thứ trưởng, ngoài quán cà phê hoặc nhà hàng.
Dù nhận số tiền hàng chục tỉ nhưng cựu thứ trưởng nói rằng ở thời điểm ấy không nhận thức được đây là sai phạm.
Cựu thư ký thứ trưởng khai không đưa tiền cho ai
Trường hợp bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế - được dư luận đặc biệt quan tâm suốt từ giai đoạn điều tra bởi có đến 253 lần nhận hối lộ với số tiền 42,6 tỉ đồng. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi ông Kiên không có chức vụ phê duyệt chuyến bay nhưng lại nhận hối lộ nhiều như vậy và ông có đưa tiền cho ai khác? Tại phiên tòa, chủ tọa cũng đặt ra nhiều câu hỏi thẩm vấn để làm rõ "điểm mờ" này.
Ông Kiên khai làm thư ký thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2022. "Với vị trí giúp việc cho thứ trưởng, bị cáo chỉ thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trình thứ trưởng xét duyệt. Bị cáo tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng", ông Kiên trình bày.
Theo cựu thư ký thứ trưởng, từ tháng 6-2021 các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, tháng 6 và 7-2021, không có doanh nghiệp nào đến gặp. Từ cuối tháng 7, các doanh nghiệp mới bắt đầu tiếp xúc, đặt vấn đề nhờ Kiên hỗ trợ để có sự đồng ý của Bộ Y tế, để Bộ Ngoại giao cho tổ chức chuyến bay.
Ông Kiên thừa nhận quá trình tiếp xúc có nhận tiền của các doanh nghiệp như kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu. "Quá trình tiếp xúc doanh nghiệp bị cáo có ra giá 150 - 200 triệu một chuyến bay?", chủ tọa hỏi.
"Bị cáo không yêu cầu doanh nghiệp, các mức chi, hình thức chi đều do doanh nghiệp chủ động đề xuất. Lời khai của một số doanh nghiệp cho rằng bị cáo yêu cầu rồi bị cáo quát tháo doanh nghiệp là không đúng sự thật", cựu thư ký phân trần.
Ông Kiên thừa nhận liên quan chuyến bay combo đã nhận 27 tỉ, còn khách lẻ về nước là 15 tỉ, tổng khoảng 42,6 tỉ đồng. Sau khi nhận tiền, ông đưa cho người thân vay, cho đi đầu tư đất đai, cho một ông chú quê Thái Bình vay và đầu tư đất ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức.
"Khi nhận tiền bị cáo có đưa cho ai?", "Bị cáo nhận 42 tỉ nhưng không đưa cho ai có đúng không?", "Có ai tác động để bị cáo khai khác không?"... chủ tọa đưa ra nhiều câu hỏi dồn dập truy vấn ông Kiên.
Trước những câu hỏi trên, ông Kiên một mực khẳng định "không đưa tiền cho ai" và "không bị ai tác động để khai khác đi". "Tôi xin cam đoan lời khai là sự thật", ông Kiên khẳng định.
Không giảm tiền "bôi trơn" vì "có barem rồi"
Do ông Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế - phủ nhận lời khai của một số doanh nghiệp về việc bị ra giá "bôi trơn" 150 triệu một chuyến bay và quát tháo yêu cầu phải chi tiền nên tòa cho những người này lên đối chất.
Khi đối chất với Kiên, bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) tiếp tục khẳng định chứng kiến ông Kiên quát các doanh nghiệp rằng "các anh không đưa mấy triệu một khách thì không được". Khi doanh nghiệp nói "như thế một chuyến mấy tỉ thì sao chịu được" thì anh Kiên mới xuống giọng.
"Anh Kiên đưa ra lý do rằng các anh nộp cho anh Tuấn A08 (Cục Quản lý xuất nhập cảnh - PV) 150 triệu một chuyến nên cũng phải nộp cho Kiên bằng giá. Có thể đưa cho một trong hai người, nếu không nộp thì không duyệt" - lời khai đối chất của bị cáo Dương.
Bị cáo Lê Hồng Sơn, tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh, khai do thời gian quá lâu không nhớ cụ thể câu nói của Kiên nhưng nhớ rằng khi đề nghị giảm giá xuống 100 triệu một chuyến bay thì Kiên nói không được vì "có barem rồi".
Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội khai khá rành mạch, chi tiết về những lần nhận tiền chạy án giúp doanh nghiệp thoát tội vụ chuyến bay giải cứu. Có những lúc cựu cán bộ công an khóc nghẹn giải thích "dính vào việc này vì thương người".