Việc đi lại bằng ô tô cá nhân, xe khách liên tỉnh trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể, khi hạ tầng giao thông được tập trung nguồn lực đầu tư, nhất là các quốc lộ được mở rộng, nâng cấp; nhiều cao tốc được thông tuyến.
Song, như Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, tình trạng thiếu vắng hoặc chưa có trạm dừng chân bài bản, đầy đủ trên các quốc lộ, cao tốc đang phát sinh nhiều hệ lụy đối với hành khách và nguy cơ thiếu an toàn giao thông.
Đơn cử như toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 250 km hiện chỉ có một trạm dừng chân tại km 41 (đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) dẫn đến quá tải, người dân đi vệ sinh phải xếp hàng dài.
Thậm chí, có một số tuyến cao tốc đưa vào sử dụng đã 3 năm như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km nhưng không có trạm dừng chân cho tài xế nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu, hành khách ăn uống, mua sắm… khi có nhu cầu. Trong khi đó, theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 - 25 km cần phải bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường…
Bất cập cao tốc không trạm dừng chân cũng đã được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực giao thông tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua.
Điều đáng mừng là ngành giao thông cũng đã cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trạm dừng chân để triển khai xây dựng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian sớm nhất…
Nhìn vào thực tế các trạm dừng chân đã được hình thành trên quốc lộ, cao tốc hiện nay, đa phần có không gian nhỏ hẹp, chưa thật sự xanh sạch đẹp, tiện nghi trong nghỉ ngơi, mua sắm, ăn uống… Có những trạm dừng chân "ăn ké" cây xăng, ở đó không gian và chức năng quen thuộc như chỉ kê vài dãy bàn, bày bán nước giải khát và vài ba món ăn như bún bò, hủ tiếu, phở…; riêng nhà vệ sinh thì thường có mùi khó chịu do khâu đầu tư và vệ sinh ít được chú trọng.
Căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, vận tải hành khách đường bộ chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng có xu hướng tăng. Cụ thể, trong hơn 3.664 triệu lượt vận tải hành khách trong năm 2022, thì đường bộ có đến hơn 3.358 triệu lượt, tăng hơn 51% so với năm 2021 (còn lại đường sắt 4,4 triệu lượt, đường biển 7,6 triệu lượt, đường thủy nội địa hơn 244 triệu lượt, đường hàng không hơn 49 triệu lượt).
Thống kê đó còn cho thấy, nếu chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có mạng lưới trạm dừng chân ngày càng tốt hơn nữa, thì số người được thụ hưởng tiện ích dịch vụ là đặc biệt lớn.
Nhiều chuyên gia và du khách từng trải nghiệm giao thông đường bộ ở các nước phát triển đều rất thán phục trước mạng lưới trạm dừng chân hiện đại. Chẳng hạn như ở Nhật Bản hoặc các nước châu Âu rất chú trọng đầu tư cho các trạm dừng trên cao tốc.
Đây không chỉ là nơi để tài xế dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu, hành khách đi vệ sinh mà còn trở thành trung tâm mua sắm đồ lưu niệm, sản vật địa phương và quy tụ rất nhiều nhà hàng, quán ăn trên nền diện tích mặt bằng cực rộng. Tại Nhật Bản, nhiều trạm dừng chân còn được chú trọng rất nhiều về thiết kế, kiến trúc, trở thành một trong những điểm đến được rất nhiều hướng dẫn viên du lịch hào hứng giới thiệu, thuyết minh cho du khách…
"Nhu cầu cần có trạm dừng nghỉ đương nhiên không cần phải bình luận thêm, nhưng không phải do cấp bách quá mà đấu thầu "đại" để làm cho có. Quan điểm của Bộ GTVT là tìm kiếm những nhà đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ đơn thuần là những đơn vị có đủ tiền làm. Như vậy mới tạo ra được hệ sinh thái trạm dừng chân có lợi ích lâu dài, đáp ứng được mọi nhu cầu cả ở hiện tại và trong tương lai".
Quan điểm được nhấn mạnh đó của Bộ GTVT đã bật rõ mục tiêu cũng như phương cách thực hiện đầu tư, vận hành, quản lý trạm dừng chân một cách chuyên nghiệp trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ thời gian tới.
Và như vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng trong tương lai gần, trạm dừng chân cũng sẽ được "gắn sao" để khẳng định chất lượng phục vụ đòi hỏi ngày càng phải được nâng cao dành cho người tham gia vận tải đường bộ.