Có cán bộ dính dáng đến pháp luật, bị bắt giữ
Sáng 13.7, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII bước vào phiên chất vấn. Ông Trần Thế Vương, Giám đốc Sở Nội vụ, là người đầu tiên trả lời chất vấn với chỉ duy nhất câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Sâm.
Vị đại biểu đại diện cho cử tri H.Bố Trạch đặt vấn đề về một bộ phận cán bộ, công chức ở Quảng Bình hiện có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, sợ sai, "đá bóng" từ cấp dưới lên cấp trên, tác động tiêu cực đến việc phát triển của tỉnh.
"Trong điều kiện tinh giảm biên chế, việc làm không hết, nhưng một số cán bộ không những không dám làm mà còn vi phạm chơi bời, dính tới pháp luật, bị công an bắt giữ", ông Sâm diễn giải.
Ông Vương thừa nhận, tình trạng "sợ sai" là có thật và cho biết để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính về văn hóa công sở, thời gian qua chiếu theo các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh.
"Thời gian qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với Thanh tra tỉnh tăng cường kiểm tra kỷ cương công sở và đã kiểm tra đột xuất tại 20 đơn vị. Tuy nhiên chỉ phát hiện cán bộ công chức cấp xã đi sớm về muộn…", ông Vương nói.
Trong thời gian tới, ông Vương cho biết ngoài tiếp tục đi kiểm tra, Sở Nội vụ mong muốn các cơ quan đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định, mong cử tri và người dân tiếp tục thực hiện chức năng giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…
'Người đứng đầu làm việc không hiệu quả thì nên thay thế hoặc từ chức...'
Bổ sung cho phần trả lời của ông Vương, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nhấn mạnh tình trạng cán bộ né trách nhiệm, không dám làm, sợ sai ở địa phương có từ lâu với những biểu hiện tính chất khác nhau.
"Nhưng đến thời điểm này, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ trở thành một khuynh hướng tiêu cực. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng nói rất nhiều lần, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để", ông Phong nói.
Dẫn chứng về quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Bình, ông Phong cho biết chỉ trong 6 tháng qua có tới 82 cán bộ, công chức của địa phương này bị xử lý.
"Ở đâu đó có bộ phận cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", cũng có nơi biên chế giảm, công việc tăng, nhưng anh em cán bộ làm nhiều thì vẫn chưa được ghi nhận. Vì thế, song song với chấn chỉnh phải có giải pháp động viên tinh thần cán bộ, tạo ra không khí làm việc hăng say", ông Phong nói.
Trong khi đó, rất thẳng thắn, ông Trần Hải Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, nói rằng lẽ ra Quảng Bình đã có những kết quả to lớn hơn. Nhưng tất cả không như mong muốn một phần là bởi còn bộ phận cán bộ sợ sai, không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Châu đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc nêu gương cũng như xử lý các vi phạm về đạo đức công vụ.
"Phải lấy kết quả công tác, hiệu quả công việc là thước đo chất lượng cán bộ. Chúng ta cứ đánh giá chung chung thì anh em mất động cơ phấn đấu. Những công chức, những người đứng đầu làm việc không có kết quả, hiệu quả thì nên thay thế hoặc từ chức… Đó là quy luật đào thải", ông Châu nhấn mạnh.