Sầu riêng, loại trái cây đặc trưng từ Đông Nam Á, đang “làm mưa làm gió” tại Trung Quốc khi được xem là loại quả "sang trọng", có thể được lựa chọn làm quà cưới.
"Tự do sầu riêng"
Báo SCMP dẫn lời Ma Qian - một người dân sinh sống tại một quận vùng quê, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - cho biết việc tặng quà cưới hay quà đính hôn cho người thân và bạn bè hiện nay đã có thêm lựa chọn là sầu riêng, bên cạnh nho, dăm bông, sữa, và nấm khô như truyền thống.
“Em họ tôi đính hôn vào tháng trước và người lớn trong nhà đã yêu cầu tôi tặng sầu riêng thay vì nho, vì nghĩ rằng như vậy sẽ trang trọng và hợp thời hơn”, Ma Qian nói.
“Quan niệm xưa cho rằng sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng cao và ăn một trái sầu riêng bằng với ăn 3 con gà”, người này nói thêm.
“Tự do cherry” - một cụm từ thông dụng ở Trung Quốc nhằm ám chỉ khả năng một người có thể mua trái cây đắt tiền một cách thoải mái mà không cần đắn đo - bây giờ đã trở thành “tự do sầu riêng”.
“Mỗi tháng, chúng tôi mua một quả sầu riêng để mọi người ăn chung. Giá đôi lúc sẽ là 40 nhân dân tệ/kg hay 60 nhân dân tệ/kg (130.000 - 200.000 đồng)”, Ma nói.
Zhang Liang, tài xế xe tải tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, đã tặng vợ một quả sầu riêng có giá 300 nhân dân tệ (hơn 990.000 đồng).
"Các tân lang tại miền quê thường phải tặng cho nhà gái nho, đào, rượu trắng, và bây giờ là một thùng sầu riêng. Điều này sẽ làm cho mẹ vợ tương lai của họ cảm thấy hãnh diện với làng xóm”, anh Liang nói.
Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng
Nhờ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và đối tác, bao gồm Trung Quốc, thuế quan giảm và thủ tục hải quan thông suốt, giúp việc nhập khẩu sầu riêng và nhiều loại trái cây nhiệt đới khác vào nước này tăng, cũng như tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng rãi hơn, bao gồm cả các thành phố cấp thấp.
Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, và Philippines đều là những thành viên của Hiệp định RCEP và đều là những nhà cung cấp sầu riêng chính cho Trung Quốc.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang rất tham vọng và lạc quan trong việc đầu tư vào thị trường sầu riêng. Họ ký hợp đồng với các nhà vườn Việt Nam và Thái Lan, xây dựng chuỗi cung ứng lạnh và các nền tảng thương mại điện tử.
Mặc dù vấp phải một số biện pháp hạn chế nhập khẩu do chính sách phòng chống COVID-19, số lượng sầu riêng tươi nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2022 vẫn nhiều gấp 4 lần so với số lượng năm 2017, với tổng giá trị lên đến 4 tỉ USD.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, quý đầu năm 2023 đã ghi nhận lượng sầu riêng nhập khẩu tăng hơn 150%.
Theo nhà nhập khẩu Bob Wang, việc tiếp cận nguồn cung nhanh và dễ dàng cho phép sầu riêng nhập khẩu có thể đi đến mọi miền ở Trung Quốc trong vòng 3 ngày, giúp thị trường cho loại trái cây này nhân lên nhanh chóng.
Người này đã ký hợp đồng với nhiều trang trại sầu riêng tại Việt Nam cho diện tích 3.000ha và có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, hay 60.000 tấn sầu riêng trong năm nay.
“Sầu riêng nhanh chóng trở thành loại trái cây nhập khẩu được yêu thích nhất tại Trung Quốc, nhưng có khả năng việc tiêu thụ của người dân dành cho loại trái này vẫn đang bị đánh giá thấp.
“Đánh giá theo cơn sốt hiện tại, khả năng cao lượng tiêu thụ sầu riêng mỗi năm sẽ gấp đôi bây giờ trong vòng vài năm tới”, ông Wang nói.
Sầu riêng vẫn mắc
Trung Quốc cũng đang cố gắng trồng sầu riêng nội địa trên đảo Hải Nam, nhưng đối với một số người, giá sầu riêng vẫn quá mắc.
“Tại một quận nhỏ xa xôi phía tây bắc Trung Quốc, giá trung bình là 35 nhân dân tệ cho 500 gam sầu riêng (khoảng 115.000 đồng) và thời điểm Tết Nguyên đán là 48 nhân dân tệ (khoảng 150.000 đồng). Đây chắc là mức giá sầu riêng đắt nhất cả nước”, một người dùng Weibo ý kiến.
“Nếu không phải do bạn gái tôi thích ăn sầu riêng, tôi cũng rất đắn đo khi chi tiền”, một người dùng khác nói.
Các thành phố Trung Quốc giáp Việt Nam đang đẩy mạnh dịch vụ logistics để đảm bảo nguồn cung sầu riêng có thể đến bất kỳ thành phố nào của nước này trong vòng 3 ngày.