Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị sơ kết hôm nay, quy mô giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu nửa đầu năm giảm gần 24% so với cùng kỳ, đạt 5.871 tỷ đồng một phiên. Nghị định 08/2013 ban hành hồi tháng 3 là cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Tuy vậy, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, cơ quan này cần nhanh chóng xử lý các tồn tại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. "Cần khẩn trương vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7", Phó thủ tướng nói.
Sớm vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng là một trong số giải pháp khơi thông thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại dự thảo Nghị định tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, đang được lấy ý kiến.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua hai năm tăng trưởng nóng (2020 - 2021), nhưng chững lại sau các vụ bắt giữ lãnh đạo liên quan tới phát hành, dùng vốn sai quy định của một số doanh nghiệp bất động sản lớn giữa 2022.
Việc mở sàn giao dịch được xem là nỗ lực "phá băng" cho thị trường này. Tháng 6, Bộ Tài chính cho biết, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cùng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng hệ thống kết nối, đồng bộ thông tin và tài khoản nhà đầu tư khi giao dịch trái phiếu riêng lẻ của HNX và đăng ký, lưu ký, thanh toán giao dịch trái phiếu của VSD. Điều này nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu riêng lẻ đúng đối tượng theo quy định.
Hiện, HNX thông tin, đã hoàn thành xây dựng hệ thống giao dịch giai đoạn 1, và sẵn sàng mọi điều kiện kỹ thuật để vận hành chính thức.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Bởi các tháng tới, tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức đến từ môi trường quốc tế, áp lực lạm phát, rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.
"Các chính sách, giải pháp hỗ trợ tài khóa cần tiếp tục thực hiện nhưng không ảnh hưởng tới an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và sử dụng vốn hiệu quả", Phó thủ tướng nêu quan điểm.
Ông cũng lưu ý, cơ quan ngành tài chính đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp tục cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Sáu tháng đầu năm nay, thu ngân sách đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán và giảm gần 8% so với cùng kỳ 2022. Ngân sách đã chi 804.600 tỷ đồng, bằng gần 39% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng về số vốn, tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn nhận thu - chi ngân sách năm nay nhiều thách thức, Phó thủ tướng nói Bộ Tài chính "cố gắng thu phải cân đối được chi". Ông cũng yêu cầu cơ quan này đề xuất tiếp các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.
Đức Minh