Sáng 14-7, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII kết thúc sau hai ngày làm việc.
Giảm ngay họp, dành thời gian đi cơ sở
Phát biểu kết luận kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy - chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá cao việc chính quyền, các cấp, ngành của tỉnh này đã giải quyết các kiến nghị của cử tri, tháo gỡ khó khăn đạt tỉ lệ 91%. Nhờ đó góp phần ổn định và cải thiện đời sống của người dân, cử tri trên địa bàn.
Đồng thời ông thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong quản lý đầu tư công. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có đến 74 dự án kéo dài thời gian nhiều năm, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Hết 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới chỉ đạt 30% của cả năm.
Một trong những "điểm nghẽn" quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được ông Phạm Viết Thanh chỉ ra là giải phóng mặt bằng chậm. Do vậy thời điểm giải phóng mặt bằng trên thực tế so với lúc được phê duyệt chủ trương đầu tư quá dài, dẫn đến giá bồi thường tăng lên cao. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải quyết nghị điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho rất nhiều dự án kiểu như trên.
Ông Thanh chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; là vai trò, trách nhiệm tham mưu của các ngành và việc phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ.
"Cán bộ còn ngại khó, né tránh, đùn đẩy, thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm", ông nói.
Để giải ngân 70% vốn đầu tư công còn lại trong 6 tháng cuối năm, ông yêu cầu giao chỉ tiêu cụ thể từng tháng và giải quyết các dự án chậm tiến độ từ nhiều năm qua trong năm nay. Đồng thời khẩn trương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết.
"Thực hiện tiết giảm ngay từ 15 - 20% số lượng và thời gian các cuộc họp so với hiện nay để dành thời gian đi cơ sở nhằm kiểm tra, đôn đốc và giải quyết công việc, trực tiếp gặp gỡ tháo gỡ khó khăn của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp", ông nói.
Đề nghị lấy kinh nghiệm từ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu làm bài học
Để tháo "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu từng địa phương, sở, ngành phải xác định rõ các vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân của mình, để có các giải pháp tổng thể, căn cơ. Đồng thời phát huy vai trò bí thư huyện, thị, thành ủy là trưởng ban chỉ đạo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các địa phương.
"Vì sao dự án nhỏ mà thời gian giải phóng mặt bằng lại kéo dài, gây lãng phí, khó khăn cho người dân? Tôi đề nghị UBND tỉnh, các địa phương lấy kinh nghiệm từ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để làm bài học triển khai cho các dự án khác", ông Phạm Viết Thanh nói.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phần 3) dài 19,5km, với diện tích phải giải phóng mặt bằng là hơn 160ha. Và chỉ trong vòng hơn 6 tháng, các địa phương, ban ngành đã có mặt bằng giao cho nhà thầu để khởi công vào giữa tháng 6-2023.
Quyết tâm đầu tư có trọng điểm, hình thành hạ tầng kết nối quan trọng
Ông Phạm Viết Thanh cho biết việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển 994 Vũng Tàu - Bình Thuận vào tháng 6-2023 là khẳng định quyết tâm của tỉnh này nhằm hình thành hạ tầng giao thông kết nối quan trọng. Từ đó mở ra không gian phát triển kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc và lâu dài cho Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau các dự án nói trên, mới đây, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới, nâng cấp, mở rộng những con đường nối vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Chiều 31-5, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kỳ họp để có những quyết nghị quan trọng liên quan đến đầu tư các tuyến đường nối các quốc lộ với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời thông qua quy hoạch chung của tỉnh tầm nhìn đến 2050.