Liên quan vụ việc một nam sinh viên của Trường đại học Hải Phòng bị hủy trúng tuyển sau 2 năm học, lãnh đạo phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng của Trường đại học Hải Phòng cho rằng nguyên nhân sự việc xuất phát từ sai sót ở cả hai phía.
Thí sinh bị hủy trúng tuyển do nhập điểm nhầm tổ hợp xét tuyển
Năm 2021, Trường đại học Hải Phòng thực hiện việc tuyển sinh theo phương thức nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến.
Tháng 11-2021, sau khi nhận kết quả trúng tuyển, các thí sinh làm thủ tục nhập học và nộp hồ sơ với các giấy tờ bản sao kèm bản chính để đối chiếu. Sau đó, nhà trường cung cấp giấy báo trúng tuyển cho thí sinh để thực hiện khai báo nghĩa vụ quân sự tại địa phương.
Đến tháng 4-2022, Trường đại học Hải Phòng thực hiện rà soát hồ sơ thì phát hiện sai sót: thí sinh Đỗ Tiến Đ. xét tuyển học bạ ngành quản trị kinh doanh thay vì nhập điểm tổ hợp C01 (xét tuyển ba môn: toán, lý, ngữ văn) thì lại nhập tổ hợp C00 (gồm ba môn: ngữ văn, sử, địa).
Ngay sau khi phát hiện sự việc, từ tháng 5 đến tháng 11-2022, nhà trường đã ba lần thông báo yêu cầu thí sinh nộp lại giấy báo trúng tuyển nhưng phải đến tháng 12-2022, thí sinh mới nộp lại giấy báo trúng tuyển đại học cho nhà trường.
Sau khi có giấy trúng tuyển, đầy đủ hồ sơ để đối chiếu thì từ tháng 1 đến tháng 5-2023, trường mới thực hiện quy trình, ra quyết định hủy kết quả trúng tuyển đối với Đ. khi Đ. đã học được 2 năm.
Bà Đỗ Thị Thanh Toàn - trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường đại học Hải Phòng - cho rằng sự việc trên có nguyên nhân sai sót đến từ hai phía khi người học nhập sai điểm đầu vào xét tuyển từ tổ hợp C01 sang tổ hợp C00 và cán bộ thực hiện công tác tuyển sinh lại thiếu sót trong công tác rà soát, chưa kiểm tra kỹ hồ sơ đầu vào.
Trước mắt Trường đại học Hải Phòng đưa ra hướng giải quyết là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong việc tư vấn hướng dẫn xét tuyển đại học 2023 vào một ngành phù hợp, bằng phương thức xét học bạ.
Bên cạnh đó trường xem xét việc hỗ trợ kinh phí và các lệ phí khác trong quá trình học tập tại trường nếu thí sinh trúng tuyển, quyết định nhập học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nam sinh Đ. cho biết bản thân đồng ý với phương án mà nhà trường đưa ra và sẽ thực hiện chuyển sang ngành học khác phù hợp với điểm học bạ của bản thân, mặc dù phải học lại từ đầu.
Trường có trách nhiệm kiểm tra khi sinh viên nhập học?
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, luật sư Diệp Năng Bình - trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, cho biết theo thông tư 09/2020, hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường.
Cũng tại thông tư này, khoản 1 điều 20 quy định hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của quy chế này và quy định của trường, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.
Phía hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, rà soát đảm bảo sinh viên khi nhập học đã có đủ điều kiện trúng tuyển để theo học tại trường.
Việc sau 2 năm theo học tại trường, sinh viên mới được thông báo hủy trúng tuyển nếu như có căn cứ xác định nhà trường vi phạm trong việc thực hiện công tác tuyển sinh thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những cá nhân có liên quan của trường cũng bị xử lý theo quy định pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 9 nghị định 04/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi bổ sung tại nghị định số 127/2021 ngày 22-1-2021 xử phạt trong trường hợp vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng.
Ngoài ra đơn vị tuyển sinh còn có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức, buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển...
Nếu có căn cứ cho rằng việc hủy kết quả trúng tuyển của sinh viên là vi phạm pháp luật thì nhà trường không chỉ bị xử lý hành chính mà còn có trách nhiệm bồi thường cho sinh viên như: buộc trả lại số tiền đã thu, chịu mọi chi phí mà bạn sinh viên đã bỏ ra, bồi thường tổn thất tinh thần…
Trong trường hợp nhà trường không giải quyết thỏa đáng thì sinh viên có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định.
TTO - Nhiều thí sinh trúng tuyển phương thức xét học bạ ngành luật Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bất ngờ bị trường thông báo hủy kết quả trúng tuyển.