Ngày 14-7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi năm 2023.
Quận, huyện nào có nhiều người cao tuổi nhất?
Trong đợt thí điểm này, mỗi quận huyện chọn ít nhất một phường xã để triển khai khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi và phải hoàn tất trước ngày 31-8.
Việc thí điểm này nhằm sơ kết, đúc rút kinh nghiệm để triển khai kế hoạch khám sức khỏe đồng loạt cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn năm 2024.
Theo danh sách được sở này thống kê, hiện thành phố có hơn 1 triệu người cao tuổi cần được thăm khám.
Các quận huyện có số người cao tuổi đông nhất bao gồm: TP Thủ Đức (95.269 người), quận Bình Thạnh (82.692 người), quận Gò Vấp (67.860 người), quận 8 (65.227 người)…
Người cao tuổi có thể khám sức khỏe tại các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực có giấy phép hoạt động, có đủ nhân sự và trang thiết bị…
Mỗi nơi khám phải thành lập các “Tổ khám sức khỏe”, mỗi tổ sẽ có từ 3-5 thành viên gồm bác sĩ nội tổng quát, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh…
“Người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả khám sức khỏe do đơn vị mình thực hiện”, Sở Y tế nhấn mạnh.
Sau khi khám sức khỏe xong, các đơn vị này phải kết luận tình trạng sức khỏe và thông tin kết quả khám sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian từ 24-48 giờ.
Người cao tuổi được thăm khám nhiều loại bệnh
Sở Y tế cho hay, khi khám sức khỏe người cao tuổi sẽ được làm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu (định lượng glucose, định lượng creatinin, định lượng triglyceride, định lượng LDL-C).
Đồng thời trong quá trình thăm khám sẽ có một nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề (y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh…) để đo sinh hiệu, ghi nhận một số chỉ số về chiều cao, cân nặng, vòng bụng…, lấy xét nghiệm máu.
Trường hợp nếu phát hiện người cao tuổi có các dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý, nhân viên y tế sẽ giới thiệu đến bệnh viện để làm xét nghiệm chuyên sâu nếu trạm y tế không có đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị.
Ngoài ra nếu người cao tuổi không thể di chuyển đến điểm khám sức khỏe, các trạm y tế phải cử nhân sự đến nhà để tổ chức thăm khám.
Sau khi khám xong, các điểm khám sẽ nhập đầy đủ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vào phần mềm để đảm bảo dữ liệu được liên thông, kết nối vào hồ sơ sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó người cao tuổi sẽ được cấp phát thuốc điều trị theo gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO (gọi tắt là WHO PEN).
Chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm khám sức khỏe cho người cao tuổi
Trước đó UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trong giai đoạn 2024 - 2025.
Dư luận đánh giá đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.
TP sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.
Hiện tại TP.HCM có hơn 1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi), thành phố sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần từ nguồn ngân sách nhà nước.