Các đợt nắng nóng khắp Đông Nam Á đánh dấu sự trở lại của El Nino - hiện tượng khí hậu gây ra hạn hán và thiếu hụt mưa - sau 3 năm. Đầu tháng 6, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) xác nhận El Nino xuất hiện vào tháng 5.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết xác suất 70-80% El Nino phát triển từ giữa hè 2023 và kéo dài sang năm 2024. Hạn hán, thiếu mưa có thể khiến 3 lĩnh vực là gạo, cà phê và sản xuất năng lượng của Việt Nam gặp rủi ro, theo phân tích của HSBC.
Gạo Việt đang đắt hàng nhờ El Nino nhưng thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến gieo trồng. Vụ hè thu năm nay đang chậm hơn so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do thời tiết nóng và mưa đến muộn. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ước tính khoảng 10.000-15.000 ha lúa hè thu có thể đối mặt nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến giảm 7% thời gian tới.
Trong lịch sử, các đợt El Nino thường gây ra sụt giảm sản lượng gạo. Việt Nam, cùng với Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba và thứ hai, tương đương gần 30% thị phần thế giới. Đợt nắng nóng, hạn hán năm 2015-2016 đã khiến sản lượng tại hai thị trường này giảm hơn 10%.
Cà phê cũng là cây trồng khác có nguy cơ tương tự như gạo. Theo số liệu của HSBC, sản lượng cà phê Việt Nam - chủ yếu là hạt Robusta - đã giảm 10% trong giai đoạn El Nino 2015-2016. Ngân hàng này cho rằng kết quả trên gợi ra câu hỏi về tác động lần này lên cây cà phê.
Nhưng hạn hán còn có tác động vượt ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, làm gián đoạn sản xuất công nghiệp do thiếu năng lượng. Thủy điện - một trong hai nguồn điện chính tại phía Bắc - bị sụt giảm sản lượng do các hồ cạn nước vì hạn hán.
Hầu hết hồ chứa lớn tại miền Bắc giảm mực nước, trong đó Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết (ngưỡng an toàn để phát điện) vào cuối tháng 5. Đây là lý do khiến tổng công suất huy động được của thủy điện ở phía Bắc chỉ hơn 17.000 MW, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, dẫn tới phải cắt điện ở các địa phương vào đầu tháng 6.
Thiếu điện là một trong những vấn đề quan ngại được Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề cập. Kết quả khảo sát của EuroCham cho hay 92% thành viên được hỏi cho hay thiếu điện ảnh hưởng đến doanh thu, trong đó, 29% bị mất từ 10% doanh thu trở lên.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thời gian gần đây do mưa vừa, mực nước tại tất cả hồ chứa trên cả nước đều vượt ngưỡng phát điện an toàn, hệ thống điện miền Bắc trở lại trạng thái ổn định. Tuy vậy, khoảng 60% doanh nghiệp châu Âu được EuroCham hỏi cho rằng thiếu điện tạo ra một số thách thức với họ, và khoảng 10% bị tác động nghiêm trọng.
Năm 1997 và 2015 - hai thời điểm El Nino có cường độ mạnh - sản lượng thủy điện Việt Nam giảm lần lượt 10% và 8%. Với tỷ trọng thủy điện chiếm hơn 29% trong cơ cấu nguồn điện, HSBC cho rằng nguồn cung năng lượng của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi El Nino nhiều hơn so với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác.
"Rủi ro năng lượng do hạn hán gây ra cần được theo dõi chặt chẽ hơn vì nó có thể ảnh hưởng tới sản xuất, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức sụt giảm đơn hàng xuất khẩu", nghiên cứu của HSBC lưu ý.
Còn theo Chủ tịch EuroCham Gabor Flui, Chính phủ nên tập trung phát triển các kế hoạch dài hạn vì thiếu điện có khả năng xảy ra theo chu kỳ.
Một tác động tiêu cực khác mà El Nino từng gây ra là lạm phát, nhưng lần này có thể không đáng ngại với các quốc gia Đông Nam Á, theo HSBC. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc - nước tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới - cũng khiến giá lương thực thực phẩm hạ nhiệt. Nguyên nhân là do nhu cầu với vật tư đầu vào nông nghiệp của nước này như dầu và phân bón thấp hơn, từ đó kéo giá đi xuống.
Do đó, dựa trên tiền lệ lịch sử, các biện pháp can thiệp chính sách cùng dự báo tổng cầu suy yếu trong hai năm tới, HSBC cho rằng có thể giúp kiểm soát lạm phát ở Đông Nam Á trong đợt El Nino này.
Viễn Thông