Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi) mức án 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi) lãnh mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.
"Đây không phải là vụ án lộ đề thi"
HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận.
Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.
Theo HĐXX, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo.
Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên.
Nên nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Nhà nước, ngành giáo dục.
"Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song các hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2021", bản án nêu
Cũng theo HĐXX, việc xét xử các bị cáo với các hành vi phạm tội lần này ngoài tác dụng giáo dục riêng với các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự.
Đối với luận điểm của luật sư cho rằng các bị cáo không được tính là cán bộ, nhân viên nhà nước, do đó không thể truy tố, xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX phân tích Luật Phòng chống tham nhũng quy định "người được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ nhất định và có quyền hạn thực hiện quyền và công vụ đó".
Việc soạn câu hỏi cho ngân hàng câu hỏi, xếp thứ tự câu hỏi, lựa chọn đề thi chính thức là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bằng các quyết định đã giao Cục Khảo thí.
Ông Sơn, bà My đã được giao nhiệm vụ tổ trưởng, tổ phó, là người cuối cùng sắp xếp thứ tự câu hỏi, phục vụ cho giai đoạn làm đề thi tiếp theo.
Do vậy cả hai bị cáo đều là những "người có nhiệm vụ, quyền hạn", bị ràng buộc bởi các quy định của luật.
Phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên
Bản án sơ thẩm xác định ông Sâm là tổ trưởng và bà My là tổ phó - được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề thi môn sinh học.
Do hai người tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và hội đồng ra đề các năm 2019, 2020 nên biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.
Năm 2021, bà My và ông Sâm lợi dụng việc được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức, đồng thời định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức.
Cả hai còn dùng câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh có mối quan hệ họ hàng, thân quen.
Cơ quan tố tụng xác định đề thi chính thức kỳ thi THPT năm 2021 giống với các câu hỏi do hai bị cáo soạn thảo, biên tập từ 70% - 95%.
TTO - Đề thi môn sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được xác nhận giống đến trên 90% so với bài tổng ôn của một giáo viên luyện thi ở Hà Tĩnh.