Tàu Chandrayaan-3 được phóng lúc 14h35 ngày 14-7 theo giờ địa phương (tức 16h5 ngày 14-7 giờ Việt Nam).
Theo Hãng Al Jazeera, tiếng vỗ tay và reo hò vang khắp Trung tâm điều khiển sứ mệnh bay tại Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, nơi các kỹ sư và nhà khoa học theo dõi vụ phóng tàu Chandrayaan-3.
Bên ngoài trung tâm, hàng ngàn người dân Ấn Độ có mặt cổ vũ. Họ reo hò và vẫy quốc kỳ khi thấy tên lửa đưa tàu vũ trụ bay lên không trung.
Nếu mọi chuyện sau đó diễn ra suôn sẻ, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư có tàu đáp xuống Mặt trăng, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
"Chúc mừng Ấn Độ. Chandrayaan-3 đã bắt đầu hành trình hướng tới Mặt trăng", ông Sreedhara Panicker Somanath - giám đốc Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) - phấn khởi nói ngay sau khi tàu vũ trụ được phóng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hiện đang có chuyến thăm Pháp, đã viết trên Twitter rằng sứ mệnh Chandrayaan-3 mang theo "những hy vọng và ước mơ của đất nước chúng ta".
Theo kế hoạch, Chandrayaan-3 sẽ đáp xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 23-8.
Sau khi Chandrayaan-3 hạ cánh, một tàu đổ bộ cao 2m sẽ triển khai một xe tự hành tại một địa điểm gần vùng cực nam của Mặt trăng để thăm dò và thực hiện hàng loạt thí nghiệm trong vòng 2 tuần.
Trước nay chưa có tàu đổ bộ nào hạ cánh gần cực nam Mặt trăng.
Chandrayaan-3 được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố các chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện và những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.
Năm 2020, ISRO đã phóng thành công tàu Chandrayaan-2 lên quỹ đạo Trái đất, song tàu đổ bộ và xe tự hành đã bị phá hủy trong một vụ va chạm gần vị trí mà tàu Chandrayaan-3 dự kiến sẽ đáp xuống.
TTO - Video phát trực tiếp ngày 5-8 cho thấy tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Hàn Quốc đã được phóng từ Mỹ, thực hiện sứ mạng của mình trong vòng 1 năm.