Lạm phát cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập và chất lượng sống của người dân Argentina, nhưng cũng đồng thời thu hút du khách từ các quốc gia láng giềng để dồn về nước này để mua hàng giá rẻ.
Dòng người xếp hàng chờ đến lượt thanh toán vốn rất phổ biến tại các siêu thị Argentina. Tuy nhiên có một điểm đặc biệt là phần lớn những người đang xếp hàng là người Uruguay, họ đã băng qua biên giới để mua thật nhiều hàng hóa tại quốc gia láng giềng.
Ông Martin Acheverrega - người dân Uruguay cho biết: "Chúng tôi đến Argentina để thăm vài người bạn và nhân tiện mua sắm hàng hóa để tiết kiệm chi phí. Sự khác biệt về giá cả các mặt hàng thiết yếu giữa hai nước là điều rất dễ nhận thấy".
Tình trạng lạm phát cao buộc Chính phủ Argentina áp dụng chính sách kiểm soát giá cả mang tên "Giá hợp lý". Theo đó, giá 1.700 mặt hàng sẽ bị đóng băng cho đến tháng 12/2023. Kèm theo đó, tỷ giá đồng Peso lại giảm tới 25% so với USD. Các yếu tố này khiến hàng hóa tại Argentina trở nên hấp dẫn với du khách nước ngoài. Người nước ngoài không chỉ đến Argentina để mua hàng thiết yếu mà còn cả xăng dầu.
"Ở Uruguay giá nhiên liệu sau khi quy đổi sẽ là 50 Peso, trong khi ở đây rẻ tới hơn một nữa, chỉ là 20 Peso. Mua sắm ở đây mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng tôi, kể cả là thực phẩm thông thường, thực phẩm lâu hỏng cũng đều rất rẻ", ông Robert De Lima - người dân Uruguay nói.
Trong khi giá hàng hóa rẻ mang lại sinh khí cho các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Argentina, thì ở chiều ngược lại đây là vấn đề lớn với các các cửa hàng bán lẻ nằm tại khu vực biên giới của các quốc gia láng giềng như Bolivia, Chile và Uruguay. Các cửa hàng bán lẻ của các nước này không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ ở Argentina do sự chênh lệch quá lớn về giá cả.
Bà Noelia Romero - Nhà quản lý siêu thị tại Uruguay cho biết: "Doanh thu của chúng tôi đã giảm rất mạnh. Không chỉ thuốc mà còn cả hàng tạp hóa và các sản phẩm làm sạch nhà cửa".
"Thực trạng này đang trở thành vấn đề mang tính sống còn với chúng tôi. Người lao động mất việc làm, các cửa hàng phải đóng cửa, chúng tôi lâm vào nợ nần và mọi thứ dường như sẽ không sớm kết thúc. Chúng tôi chỉ biết tìm mọi cách để tồn tại", ông Abelardo Alzaibar - Chủ cửa hàng bán dược phẩm tại Uruguay nói.
Để hỗ trợ các cửa hàng địa phương ở vùng biên giới, Chính phủ Uruguay đã ban hành nhiều giải pháp như miễn thuế và trợ giá đối với các mặt hàng dược phẩm và xăng dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.1111725141703202-er-aig-gnah-mas-aum-anitnegra-ev-od-iaogn-coun-iougn/et-hnik/nv.vtv