Quảng Bình hạn hán nặng trong tháng 6
Ngày 15.7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có bản tin dự báo từ tháng 8.2023 - 1.2024.
Theo thống kê từ tháng 5 - đầu tháng 7, Biển Đông đã xuất hiện 1 cơn áp thấp nhiệt đới. Áp thấp này di chuyển chậm và suy yếu trên khu vực giữa Biển Đông ngay sau đó.
Cũng trong thời gian này, nước ta đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh làm nền nhiệt độ giảm và gây mưa cho các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ; 10 đợt mưa diện rộng tại khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, Tây nguyên và Nam bộ; 11 đợt nắng nóng diện rộng tại Bắc bộ, Trung bộ.
Trong tháng 5, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 40 - 80%, khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn từ 20 - 50%.
Đến tháng 6, lượng mưa trên phạm vi cả nước phân bố không đồng đều, tại khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa, Lâm Đồng và một số nơi thuộc miền Đông Nam bộ phổ biến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 20 - 80%, có nơi cao hơn; các khu vực khác phổ biến thấp hơn từ 20 - 50% so với TBNN cùng thời kỳ, riêng tại Quảng Bình thấp hơn 60 - 90% so với TBNN cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa trong nửa đầu tháng 7 tại đa phần các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ và Tây nguyên thấp hơn TBNN cùng thời kỳ phổ biến từ 30 - 70%; các nơi khác phổ biến cao hơn TBNN từ 30 - 60%.
6 - 8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông
Dự báo thời tiết từ tháng 8 - tháng 10, cơ quan khí tượng cho biết, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo trong 3 tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85 - 95%.
Từ nửa cuối tháng 7 - tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ trong tháng 8 với số ngày nắng nóng cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 9, nắng nóng còn có khả năng xảy ra ở bắc và Trung Trung bộ với cường độ giảm dần so với tháng 7 và tháng 8.
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 8 - tháng 10 phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN. Tổng lượng mưa từ tháng 8 - tháng 9 tại khu vực vùng núi phổ biến thấp hơn TBNN từ 5 - 10%, vùng trung du ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực đồng bằng và ven biển cao hơn khoảng 5 - 15% so với TBNN cùng thời kỳ; tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Từ tháng 11.2023 - tháng 1.2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 80 - 90%. Trong thời gian này có khoảng 2 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam.
Mùa đông miền Bắc ấm hơn mọi năm
Trong những tháng mùa đông năm 2023 - 2024, nền nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn TBNN. Cụ thể tháng 11, tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 - 1 độ C; tháng 12.2023 - 1.2024, nhiệt độ cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tháng 11, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C; tháng 12.2023 - 1.2024, nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5 - 1 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Về lượng mưa vào thời kỳ này, khu vực Bắc bộ tháng 11 - tháng 12, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng từ 10 - 25%; tháng 1.2024, lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Tại Trung bộ, tổng lượng mưa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình cao hơn từ 10 - 20% so với TBNN; tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến thấp hơn TBNN từ 10 - 20%.
Tháng 12, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế phổ biến cao hơn từ 10 - 20%, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến xấp xỉ so với TBNN; tháng 1.2024, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Khu vực Tây nguyên và Nam bộ, tháng 11, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn từ 5 - 20% so với TBNN cùng thời kỳ; tháng 12.2023 - 1.2024, phổ biến ít mưa.