Sau nhiều năm mua đất, xây nhà ở thì cơ quan chức năng xác định UBND xã đã... bán đất trái luật. Người dân bức xúc vì chính quyền làm sai nhưng thiệt hại họ phải lãnh.
Mua đất khi còn sống, chết vẫn chưa có sổ đỏ
Theo hồ sơ, năm 2000 UBND xã Vinh Quang có tờ trình gửi UBND thị xã Kon Tum (nay là TP Kon Tum) bán một số lô đất ở thuộc thôn Thanh Trung, đoạn dọc quốc lộ 14 để lấy tiền xây dựng trụ sở làm việc.
Tháng 1-2001, UBND thị xã Kon Tum chấp thuận tờ trình trên, đồng thời giao Phòng địa chính phối hợp với UBND xã Vinh Quang tham mưu quy hoạch cấp, giao đất để thực hiện kế hoạch giãn dân, tách hộ lập vườn.
Ông Nguyễn Kiên Quyết (71 tuổi, trú phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) cho biết: "Năm 2001, gia đình tôi mua của xã Vinh Quang một lô đất tại khu giãn dân với giá 9 triệu đồng. Xã lập phiếu thu, biên bản tạm giao đất cũng như giao đất trên thực địa cho tôi. Tuy nhiên sau 22 năm, gia đình tôi vẫn không được cấp sổ đỏ".
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (73 tuổi, trú TP Kon Tum) cho biết trước đây khi còn sống, chồng của bà là ông Nguyễn Đức Ngũ có mua một lô đất của xã Vinh Quang bán. Hiện chồng bà qua đời mà sổ đỏ vẫn chưa biết bao giờ mới được cấp.
Bà Hoa nói bà cùng hàng chục hộ dân mua đất của UBND xã Vinh Quang nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi chính quyền và các cơ quan chức năng ở Kon Tum nhưng không có kết quả.
Hủy biên bản tạm giao đất là xong?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các năm 2001-2003 có 33 người dân đã mua 40 lô đất do UBND xã Vinh Quang bán. Tổng số tiền 361 triệu đồng thu được khi đó được dùng xây dựng trụ sở làm việc, công trình phụ trợ của xã này.
Văn bản do ông Hoàng Anh Tuấn - chánh Văn phòng UBND TP Kon Tum (thừa lệnh chủ tịch TP ký) - trả lời Tuổi Trẻ cho biết chính quyền các cấp đã xử lý vụ việc nhiều năm nhưng vẫn chưa dứt điểm.
Đến năm 2018, Thanh tra tỉnh Kon Tum chỉ ra nhiều sai phạm trong việc hoàn thiện thủ tục, cấp sổ đỏ đối với các cá nhân được xã Vinh Quang tạm giao đất là trái quy định, không có cơ sở, không thể thực hiện...
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum xác định việc UBND xã Vinh Quang phân lô, thu tiền ủng hộ ngân sách xã, lập biên bản tạm giao đất cho các hộ dân có dấu hiệu phạm tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
Tuy nhiên, đến nay hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không khởi tố vụ án.
Theo UBND TP Kon Tum, số tiền các hộ dân đã nộp cho UBND xã trước đây không thể chứng minh là nộp tiền sử dụng đất. Do đó không có cơ sở pháp lý hoàn thiện thủ tục và cấp sổ đỏ đất đối với các cá nhân được UBND xã Vinh Quang tạm giao đất vào năm 2003.
Theo chỉ đạo của tỉnh Kon Tum, vào năm 2019 chủ tịch UBND xã Vinh Quang đã ban hành 35 quyết định hủy bỏ các biên bản tạm giao đất trái pháp luật vào năm 2003 cho các hộ dân.
Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND TP Kon Tum để giải đáp câu hỏi thiệt hại của dân ai chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, qua điện thoại vị lãnh đạo từ chối trả lời trực tiếp và đề nghị phóng viên xem trong các kết luận của cơ quan chức năng.
Còn ông Nông Hồng Công - chủ tịch UBND xã Vinh Quang - cho biết xã không thể giao đất và cấp sổ đỏ cho người dân về các lô đất mà xã bán trái luật trước đây.
Nếu những hộ nào có nhu cầu lấy lại số tiền đã nộp, có chứng từ nộp cho xã tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét trả lại tiền gốc và lãi (theo lãi suất ngân hàng).
Hiện tại người dân rất bức xúc và khiếu nại nhiều lần vì xã làm sai nhưng thiệt hại họ phải nhận lãnh.
Ông Nguyễn Tiến Mãn (trú TP Kon Tum) nói rằng ông cùng nhiều hộ dân đã đóng đầy đủ tiền mua đất, số tiền đó được nộp vào ngân sách UBND xã Vinh Quang để xây dựng trụ sở. "Việc xã ra quyết định hủy bỏ các biên bản tạm giao đất là kiểu người nợ lại tự xóa nợ của mình. Điều đó là vô lý, vô tình và theo chúng tôi là bất hợp pháp" - ông Mãn bức xúc.
Vẫn có cách giải quyết cho dân
Theo luật sư Nguyễn Công Tín - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, pháp luật về đất đai hiện nay có một quy định để gỡ vướng trường hợp trên, đó là điều 23 nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 01/2017/NĐ-CP và nghị định 148/2020/NĐ-CP).
Điều luật này quy định đối với đất được giao không đúng thẩm quyền nhưng đã được sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2014 trở về trước, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được xem xét cấp sổ đỏ. Do đó, để gỡ vướng trường hợp này, cách duy nhất là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
"Còn nếu thấy chính quyền không giải quyết theo yêu cầu, không được cấp sổ đỏ, người dân có thể xem xét khởi kiện để yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Thiệt hại được bồi thường có thể là chênh lệch giá lô đất tại thời điểm giao đất với giá thị trường thời điểm hiện tại; hoặc tiền sử dụng đất đã nộp cộng với khoản lãi đến thời điểm hiện nay" - luật sư Tín cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Lâm, nguyên chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), cùng các đồng phạm đã “hô biến” đất rừng sản xuất thành 7 lô đất ở, không qua đấu giá cho cháu họ.