5 năm trước, mối duyên đưa chúng tôi gặp gỡ "mẹ siêu nhân" Đinh Thị Lan Anh (chủ tịch Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam) với câu chuyện về "sứ mệnh làm mẹ trẻ bại não" (viết tắt CP - Cerebral Palsy).
Ngày ấy đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, chị quyết định bỏ dở để dành trọn 24 giờ cho con gái.
"Buổi sáng đi làm, tôi nhận thấy rất nhiều bà mẹ hối hả chở con đến lớp, đưa con vào lớp rồi trở về với công việc của mình. Nhịp sống diễn ra đời thường ấy lại là ước mơ xa vời với các mẹ có con CP", chị Lan Anh nhớ lại ý định nung nấu thực hiện dự án "Chăm con cho mẹ đi làm".
Tháng 2-2023, dự án chính thức triển khai, mở cửa đón các bé CP theo hai hình thức: nhận chăm sóc theo tháng trong giờ hành chính (từ 7h30 - 17h30) và gửi theo ngày khi mẹ cần hỗ trợ mà không hạn chế số lượng.
Chăm con cho mẹ đi làm
Chị Lan Anh, người sáng lập dự án, cho biết điều mà Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam mong mỏi nhất là giúp cho những người mẹ "có thể được thức giấc như những bà mẹ khác".
Mẹ cũng có nhu cầu gửi con đến lớp, sống một cuộc sống thường nhật như những người mẹ khác. Nếu con hòa nhập được, mẹ sẽ đưa con đến trường hòa nhập. Nếu con đặc biệt, sẽ có một lớp học luôn yêu thương con vô điều kiện giúp mẹ an tâm gửi gắm.
Chị Nguyễn Vũ Thị Thủy, giáo viên chủ nhiệm của lớp, là người được chọn để chăm sóc các con CP mỗi ngày. Chị cũng là mẹ "siêu nhân", đã có hành trình suốt 11 năm chăm sóc cho con trai là trẻ CP.
Chị nhớ lại thời khắc quyết định rời quê cùng chồng lên thủ đô để con được tập vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng. Kể từ ngày đó, cuộc sống của chị luôn xoay quanh con trai, toàn tâm toàn ý lo cho con.
"Tôi cũng nghĩ mình không có quyền được bệnh lâu, buộc phải khỏe để chăm con. Cho nên việc được đi ra ngoài, được đi chơi, làm đẹp có lẽ là điều xa xỉ. Đến nhu cầu của bản thân tôi cũng không dám nghĩ, bởi nếu tôi đi ra ngoài thì phải có người chăm sóc con, mà tôi thì không yên tâm gửi con cho ai được", chị Thủy trải lòng.
Hay tin có dự án "Chăm con cho mẹ đi làm", chị Thủy mạnh dạn đăng ký đảm nhận việc chăm sóc các con. Người ta nói chị "bao đồng", vì bản thân chị chăm con trai đã vất vả rồi, nay lại chọn công việc chăm sóc nhiều trẻ CP cùng lúc.
Công việc dù vất vả, nhọc nhằn nhưng chị quả quyết rằng có rất nhiều niềm vui, tạo sức mạnh để chị dũng cảm phá bỏ cuộc sống xoay quanh bốn bức tường chật hẹp ở căn nhà trọ.
Để hôm nay, chị cùng Mít (con trai chị) được đi ra ngoài mỗi ngày, được làm công việc mà chị yêu thích. Đó cũng là ước mơ chị ấp ủ từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường sư phạm. "Điều đó thôi thúc tôi cố gắng để làm việc tốt vì cộng đồng", chị Thủy giãi bày.
Hiện nay ở lớp dự án "Chăm con cho mẹ đi làm" có hai cô giáo đứng lớp là chị Thủy và chị Quỳnh Anh. Trong lớp tiến bộ nhất là bé Kẹo (7 tuổi), Linh (8 tuổi) rồi đến Gấu (11 tuổi), Mít (11 tuổi), Min (8 tuổi), Cherry (4 tuổi), Kiên (5 tuổi) và Khang hiện đang được gia đình đưa về quê nghỉ hè.
Thời gian đầu việc chăm sóc những đứa trẻ CP chẳng hề dễ dàng. Mới tiếp xúc, cô giáo và các con chưa quen nhau, hay trẻ gồng cứng nhiều quá cũng khiến cô gặp khó khăn.
Nhưng chỉ ba ngày sau đó, các cô quen dần với công việc, nắm bắt được thói quen của các con lúc ăn uống - ngủ nghỉ, nhờ đó việc chăm trẻ cũng trơn tru hơn.
Để tạo niềm vui trong lớp học, cô giáo thiết kế thêm nhiều trò chơi, tập múa hát, đọc truyện cho các con nghe, giúp các con tiến bộ mỗi ngày.
"Tôi coi các bé như con, mình chăm sóc con thế nào thì chăm sóc các bé như thế. Khi tham gia dự án, niềm vui của tôi là được giúp đỡ các mẹ, để mẹ yên tâm gửi con để đi làm, đi công việc", chị Thủy bộc bạch.
Nhìn con cười, mọi mệt nhọc biến tan
Chiều đến, chị Lâm Thị Soi (33 tuổi, ở Nam Định) bế hai đứa trẻ sinh đôi từ mái ấm xuống lớp học.
Hai đứa trẻ quấn cô giáo, cười thích chí khi được chơi đùa cùng các anh chị ở trong lớp. Chồng ở quê lo kinh tế, còn chị Soi một tay ôm hai đứa trẻ lên Hà Nội nương nhờ mái ấm gần bệnh viện để chữa trị cho con.
Việc chăm sóc cho Đan - đứa trẻ CP không phải dễ dàng. Chưa kể bé Bích (sinh đôi với Đan) cũng xuất hiện một số biểu hiện cần được can thiệp. Nhưng cuộc sống gia đình khó khăn quá, chị nói hiện chỉ đủ sức để lo cho Đan.
"Chiều nào con cũng hỏi mẹ có được xuống lớp chơi với các cô không, con thích ở đây lắm. Hôm nào mẹ cháu bận đi công chuyện hay bận nấu cơm mà con không chịu ở một mình, mẹ đưa con xuống nhờ cô giáo thì cô giáo nhiệt tình lắm", chị Soi rưng rưng.
Đón bé Đan từ tay mẹ, cô giáo Quỳnh Anh chia sẻ dù chân tay của con yếu, chân co cứng nhưng Đan rất thông minh, hiểu chuyện và biết nghe lời.
Con rất thích cười, trong lớp rất thích được chơi với anh Mít và còn biết dặn dò anh "không được rớt dãi vào người em". Nghe đến đây, Đan len lén nhìn anh Mít rồi cười khoái chí.
Ở lớp, mỗi trẻ CP là mỗi thể trạng khác nhau, cô giáo trẻ cho rằng điều quan trọng nhất là phải kiên trì để đồng hành với các con.
Có thời điểm, các cô giáo phải ôm con vào lòng suốt mấy giờ đồng hồ, vỗ về con nín khóc vì không chịu ngồi vào ghế hỗ trợ. Chính các con cũng giúp chị học được tính kiên trì và rèn tinh thần "thép".
27 tuổi, chị Quỳnh Anh có thể lựa chọn những công việc khác nhẹ nhàng hơn, có thu nhập khá khẩm hơn. Nhưng chị quyết định lựa chọn công việc này, với mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé giúp đỡ cho gia đình trẻ CP. Nhưng quan trọng nhất là mong mỏi góp phần giúp cộng đồng thay đổi nhận thức về trẻ CP.
Chị kể đã từng bắt gặp ánh mặt kỳ thị của người xung quanh khi nhìn thấy đứa trẻ CP, thậm chí buông lời cay nghiệt "nó bị vậy sao không cho ở nhà", lo sợ đứa trẻ CP sẽ gây hại cho con cái của họ.
Do vậy thời gian qua bên cạnh chăm sóc các con CP, chị còn nhận hướng dẫn cho các "tình nguyện viên nhí" mỗi khi đến thăm lớp học, chị dạy cho các con biết cách yêu thương các anh chị, các bạn là trẻ CP.
"Khi tiếp xúc với các con, nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của các con giúp mình có thêm động lực rất lớn để tiếp tục công việc này. Một ngày có thể rất nhiều mệt nhọc, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy nụ cười của các con thì mọi mệt nhọc dường như tan biến", cô giáo trẻ tâm niệm.
Được đào tạo nghiệp vụ giáo dục đặc biệt
Chị Đinh Thị Lan Anh cho biết lý do suốt sáu năm qua trụ sở của Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam không thay đổi - cách Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) chưa đầy 100m để sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào xảy đến với con.
Không chỉ có kinh nghiệm chăm trẻ CP, các cô giáo tham gia dự án còn được đào tạo nghiệp vụ giáo dục đặc biệt, học các khóa học ngắn ngày về vật lý trị liệu. Nhờ đó cô giáo - mẹ "siêu nhân" sẽ chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho con, để cha mẹ yên tâm gửi gắm con ở một nơi luôn yêu thương và hiểu về thể trạng của con.
"Tôi mong các mẹ nỗ lực vì con, nhưng cũng nỗ lực vì chính bản thân mình nữa. Mong các mẹ ngoài việc chăm con, trị liệu cho con thì hãy dành thời gian ưu tiên cho bản thân. Sự yêu thương và chăm sóc bản thân cũng là con đường đồng hành với con lâu dài", chị Lan Anh nói.
TTO - Buổi sáng tại Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu (phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), những đứa trẻ đang quây quần bên bà Lê Thị Hoa, tầm 70 tuổi, có khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi, được mọi người gọi là ngoại Sáu.