Ngày 16-7, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk cho biết đang cho kiểm tra hồ sơ pháp lý khu du lịch không phép xây dựng trên đất lúa, đất nông nghiệp. Đáng nói, công trình với nhiều hạng mục vi phạm này được lãnh đạo huyện này "quảng bá" khá nhiệt tình.
Khu du lịch trái phép trên đất lúa
Công trình du lịch trái phép trên đất nông nghiệp, đất lúa nằm tại thôn Phước Lộc 4 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) có tên Cơ sở phát triển tài năng lãnh đạo T.O.P.C.L.E.V.E.R Dak Lak (làng sinh thái giáo dục).
Theo thông tin trên trang Facebook của công trình du lịch này, thì đây là làng sinh thái giáo dục do bà Loan Thị Đào (31 tuổi) làm đại diện pháp luật.
Trên diện tích khoảng 1ha đất trồng cà phê và lúa này, doanh nghiệp cho xây dựng nhiều hạng mục như khu lưu trú, nhà hàng, hồ bơi (dạng hồ lười chạy vòng quanh).
Đáng nói, nhà hàng, khu trải nghiệm được xây dựng ngay trên đất lúa, sát kênh dẫn nước của địa phương.
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày, đặc biệt dịp cuối tuần có hàng chục đến hàng trăm lượt khách mua vé (40.000 đồng/người/lượt) để vào cổng. Các hoạt động khác như ăn uống, hồ bơi, chơi trò chơi… thì phải mua vé khác.
Công trình kinh doanh du lịch nhưng cơ sở này chưa hề có giấy phép liên quan đến xây dựng, kinh doanh du lịch trải nghiệm, hoạt động vui chơi mang yếu tố giáo dục cho trẻ em.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã Ea Phê xác nhận công trình nêu trên có nhiều hạng mục trái phép trên đất nông nghiệp, đất lúa.
Tuy nhiên, ông này lại nói "địa phương đang cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để có nơi vui chơi cho người dân, học sinh".
Trái phép nhưng lãnh đạo huyện quảng bá
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở này có tên đăng ký là "Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ phát triển tài lãnh đạo - T.O.P.C.L.E.V.E.R Dak Lak".
Cơ sở này hiện mới chỉ có chứng nhận về an toàn thực phẩm của Phòng Y tế huyện và biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy (theo yêu cầu của cơ sở) của Công an huyện Krông Pắk.
Theo hồ sơ, công trình du lịch trên 7.000m2 với nhiều hạng mục như nhà kho, 2 hồ bơi, một số nhà hàng. Cơ sở này cũng báo diện tích trồng lúa (khoảng 2.000m2) chưa đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, thực tế đã xây dựng nhiều nhà chòi, cầu dẫn đến những nhà chòi này để lấy "view" ruộng lúa.
Từ đầu năm 2023, dù công trình xây dựng trái phép nhưng nơi này vẫn được một số lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắk giới thiệu là điểm đến của địa phương trên trang Facebook, Zalo cá nhân.
Khi trao đổi, chính những vị này cũng thừa nhận công trình du lịch này chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết, đang cho "hoàn tất thủ tục".
Trao đổi với phóng viên, bà Loan Thị Đào, chủ cơ sở, thừa nhận dù đã đưa vào kinh doanh từ lâu nhưng hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo.
Ngoài 400m2 đất ở nông thôn gia đình bà đã làm nhà ở, diện tích còn lại đều là đất trồng cà phê, đất lúa. Hầu hết diện tích đã được xây dựng các công trình phục vụ việc kinh doanh du lịch.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết đang yêu cầu các phòng chức năng của huyện kiểm tra hồ sơ pháp lý đã hoàn thiện đến đâu và sẽ thông tin lại về hồ sơ của cơ sở này.
Hàng loạt khu du lịch, khu nghỉ dưỡng mọc lên trên đất rừng, đất trồng lúa, đất nông nghiệp tại Đắk Lắk, Đắk Nông. Nhiều dịch vụ du lịch chưa được cấp phép vẫn ung dung hoạt động trên công trình xây sai phép.