Trong vài năm trở lại đây, nhiều hãng xe như BMW hay Tesla, để chứng minh mình thân thiện với môi trường, đã hạn chế dùng da thật bọc nội thất xe.
Thay vào đó, họ dùng chất liệu gọi chung là da thuần chay (vegan leather) - một "chất liệu tổng hợp" mang lại cảm giác như da thật nhưng không có xuất xứ động vật.
Tuy nhiên, theo Bridge of Weir - một nhà cung ứng da chuyên nghiệp cho các hãng xe như Aston Martin, Ford, JLR, McLaren, Volkswagen hay Volvo, da thuần chay là một sự lừa dối.
Họ tin rằng rất nhiều sản phẩm da thuần chay trên thị trường thực tế dùng nhựa như một phần chất liệu tổng hợp và vì thế không phân hủy, không thân thiện với môi trường.
Trích dẫn nghiên cứu của Filk Frieberg, nhà cung ứng này còn khẳng định da thuần chay không có chất lượng và độ bền như da thật. Do đó, chúng dễ dàng xuống cấp nhanh hơn và buộc người dùng phải thường xuyên thay mới. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tài chính người dùng và cũng thải nhiều nhựa ra môi trường hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng nhấn mạnh rằng công đoạn sản xuất chất liệu tổng hợp làm da thuần chay sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Trong khi đó, da thật dùng trong nội thất xe được tận dụng như sản phẩm thừa từ mảng chăn nuôi sản xuất thịt và do đó là một dạng "tái chế".
Tuy vậy, Bridge of Weir cũng không phản đối trực tiếp da thuần chay. Họ chỉ muốn các hãng xe công bố mọi yếu tố tích cực lẫn tiêu cực xoay quanh chất liệu này để người dùng tự đưa ra quyết định lựa chọn.
Một người mẹ đã khiến chiếc xe của mình trở nên nhếch nhác sau khi học mẹo làm sạch ghế ô tô trên mạng.