Theo Hãng tin Reuters ngày 16-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trên truyền hình quốc gia rằng Nga có "nguồn dự trữ bom chùm đủ" để giao chiến với Ukraine. Ông Putin cũng nhấn mạnh việc có thể dùng số bom này nếu Ukraine cũng dùng chúng.
"Dĩ nhiên, nếu họ dùng bom chùm để tấn công chúng ta, chúng ta có quyền trả đũa" - nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.
Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được đưa ra chỉ ít ngày sau khi quân đội Ukraine xác nhận đã nhận lô bom chùm đầu tiên do Mỹ viện trợ vào hôm 13-7.
Lô bom chùm này được giao đến tay các lực lượng Ukraine chỉ một tuần sau khi Washington thông báo quyết định hỗ trợ loại vũ khí trên.
Quyết định của Washington lập tức bị Matxcơva và nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản đối. Các nước quan ngại loại vũ khí này có thể gây thương vong cho dân thường.
Ngày 9-7, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã công khai chỉ trích việc Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine: "Mỹ sẵn sàng hủy diệt cuộc sống ở xa biên giới của họ bằng bàn tay của người Ukraine".
Trong khi đó, phía Mỹ vẫn quả quyết loại vũ khí này sẽ rất hữu dụng trong việc chống lại các lực lượng Nga, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang cạn kiệt nguồn đạn pháo 155mm để cung cấp cho quân đội Ukraine.
Bom chùm mà Mỹ mới cung cấp cho Ukraine tương thích với loại pháo 155mm này.
Vì sao bom chùm là vũ khí gây tranh cãi?
Đã từng có nhiều vụ các quả bom con được bắn ra từ bom chùm không phát nổ ngay lập tức nhưng lại nổ ở thời điểm sau khi chiến tranh kết thúc. Điều này đã gây thương vong cho rất nhiều dân thường trên thế giới.
Do đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nhiều lần lên án việc sử dụng loại vũ khí này. Hiện trên thế giới đã có 123 quốc gia ký kết Công ước Oslo về chống bom, đạn chùm năm 2008. Nga, Mỹ và Ukraine đều không tham gia công ước này.
Việc Ukraine xác nhận bom chùm do Mỹ viện trợ đã mở đầu một giai đoạn leo thang mới trong cuộc chiến với Nga.