Tháng 12-1921, Anh cấm phụ nữ chơi đá bóng và lệnh cấm đấy cũng lan sang các thuộc địa của Anh. Lệnh cấm dựa vào nghiên cứu khoa học rằng phụ nữ chơi bóng đá thì cơ thể sẽ sản sinh ra lượng hormone testoterone (hormone nam), đồng thời các tuyến hormone estrogen (hormone nữ) bị teo tóp và dẫn đến thay đổi giới tính.
Một năm sau, báo chí New Zealand cũng đăng rất nhiều về nghiên cứu trên và sau đó quốc gia này đưa ra lệnh cấm phụ nữ chơi bóng đá vào năm 1922.
Một đội bóng đá nữ ở New Zealand trước lệnh cấm năm 1922 (ảnh nhỏ) và đội nữ New Zealand hiện nay trong trận giao hữu với Việt Nam. Ảnh: GETTY IMAGES |
Bài viết của nhà sử học Alida Shanks viết: “New Zealand từng cấm phụ nữ chơi bóng đá nhưng bây giờ chính họ là đồng chủ nhà, điều không thể khác hơn được với xu hướng phát triển bóng đá nữ thế giới dù đã có những nghiên cứu khoa học nói rằng con gái đá bóng sẽ giảm đi phần nữ tính và tăng nam tính giống như nhiều môn đối kháng mạnh khác”.
Bà Alida Shanks cũng đề cập lệnh cấm phụ nữ đá bóng ở nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand kéo dài suốt 50 năm cho đến năm 1973 thì bị bãi bỏ. “Nhiều địa phương, đặc biệt là ở New Zealand trong giai đoạn cấm vẫn lén lút thành lập các đội bóng nữ vì đó là nhu cầu xã hội thực tế của chị em… Lệnh cấm không bị xóa bỏ nhưng nhạt dần trước nhu cầu chơi bóng của chị em và thế là bóng đá nữ dần nổi dậy. Ở New Zealand cũng thế và môn thể thao vua trỗi dậy ở các chị em rồi hoạt động bình thường và được công nhận...” - nhà sử học Alida Shanks viết.
Tính đến nay ở New Zealand khi bóng đá nữ được “cởi trói” đã tròn 50 năm và cũng ít ai ngờ rằng sau 50 năm bóng đá nữ ở New Zealand được gỡ bỏ lệnh cấm thì đất nước này được đồng đăng cai một kỳ World Cup bóng đá nữ.
Cuối cùng thì nữ sử gia Alida Shanks kết luận rằng: “Ngày nay, các sân bóng diễn ra bóng đá nữ đầy ắp khán giả, đó là một nghề có thu nhập của không ít phụ nữ và những nữ cầu thủ giỏi còn trở nên giàu có. Thậm chí còn có cả các cuộc đấu tranh giành bình quyền trong quyền lợi mà bóng đá nữ phải được hưởng như bóng đá nam…”.