Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng kiến giao dịch tích cực với thanh khoản duy trì trên mức trung bình như PGB tăng 11,32%, BID tăng 5,53%, MBB tăng 4,88%, HDB tăng 3%... Tuy vậy, theo giới phân tích, những thông tin hỗ trợ thời gian qua chưa thực sự trở thành động lực để giúp nhóm cổ phiếu này "nổi sóng."
Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, bắt đầu từ ngày 10/7. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15%.
Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân Nguyễn Thế Minh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ việc nâng room tín dụng phần nào giúp giải quyết áp lực đảo nợ nhưng cũng không phải là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Điều kiện đủ của tăng trưởng tín dụng đến từ 2 yếu tố: Kinh tế hồi phục và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp. Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mặt bằng cao và đầu ra của tín dụng được cho là vẫn khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Thực tế, tính đến ngày 14/7/2023, 11/27 ngân hàng niêm yết đã có báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 và 6 tháng 2023. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này duy trì tăng trưởng với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn so với mức tăng trong quý I là 11,6%.
Nguyên nhân được cho là trong bối cảnh tín dụng tăng thấp khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng, tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng ở nhiều ngân hàng. Đây là một trong các yếu tố khiến dòng tiền trên thị trường “chảy mạnh” vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirea Asset nhận định chi phí vốn và chi phí tín dụng tạo áp lực chính lên NIM. Tính theo quý, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết đã giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,5% vào quý I/2023, trong khi NIM tính trên cơ sở 12 tháng giữ nguyên ở mức 3,6%.
Biên độ chênh lệch lãi suất giữa tài sản và nợ vay cũng ghi nhận xu hướng giảm. Mặc dù hầu hết danh mục tài sản sinh lãi (IEA) đều có sự điều tiết dựa trên cơ sở lãi suất huy động (đa phần danh mục tín dụng là cho vay), nên việc giảm chênh lệch lãi suất giữa IEA và huy động đa phần do tỷ lệ tiền gửi có kỳ hạn cao hơn trong cơ cấu tiền gửi.
Ngoài ra, chất lượng tài sản giảm cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên NIM của các ngân hàng thương mại. NIM dự kiến sẽ kéo dài chuỗi giảm vào năm 2023 dựa trên giả định chất lượng tài sản sẽ tiếp tục xấu đi; thiếu sự hỗ trợ từ huy động nguồn vốn giá rẻ và tỷ trọng ngân hàng bán lẻ có sự chững lại.
Không chỉ áp lực về NIM, áp lực phát sinh từ việc đến hạn thanh toán một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đang đè nặng lên chi phí trách lập dự phòng của các ngân hàng. Cụ thể, khoảng 200.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp dự kiến đến hạn thanh toán tiền gốc trong 7 tháng cuối năm 2023, trong khi trái phiếu đáo hạn vào năm 2024 ước tính khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ.
Nhóm phân tích Mirea Asset nhấn mạnh tổng lượng trái phiếu này không quá lớn so với tổng dư nợ của hệ thống tín dụng trong nước, xấp xỉ 5% tổng tín dụng của ngành ngân hàng, nhưng cũng không thể xem nhẹ tác động dây chuyền và các hệ quả liên quan như gia tăng nợ xấu và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng.
Các ngân hàng cũng thể hiện sự thận trọng trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023. Cụ thể, theo kế hoạch kinh doanh được các ngân hàng công bố tại mùa đại hội cổ đông, lợi nhuận của 26 ngân hàng niêm yết, không bao gồm Vietinbank, đặt mục tiêu tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp so với tăng trưởng năm 2022 là 33,6%.
Diễn biến của chất lượng tài sản sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập năm 2023. Chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2023, khi tỷ lệ nợ xấu và tổng nợ xấu tăng đáng kể trong 5 quý liên tiếp vừa qua; sự suy giảm của tỷ lệ bao phủ nợ xấu; lo ngại về nợ xấu gia tăng đáng kể do lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, đặc biệt là trong quý 3/2023, quý II và IV/2024; đồng thời sự bất định của các điều kiện vĩ mô.
Nhóm phân tích Mirea Asset cảnh báo rủi ro chính trong ngắn hạn đến từ việc đáo hạn các lô trái phiếu trong quý III/2023. Nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, nhiều tổ chức phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ đã cam kết, dẫn đến rủi ro hệ thống cũng như tâm lý tiêu cực cho thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, động thái khối ngoại rút tiền mạnh từ đầu quý 2/2023 đã kìm hãm đà tăng thị trường, cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng. Riêng tuần qua, khối ngoại bán ròng 1.018 tỷ đồng trong 5 phiên giao dịch, trong đó bán ròng 1.122 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị gần 300 tỷ đồng, toàn bộ là giao dịch khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là trợ lực chính cho VN-Index trong tuần qua khi cổ phiếu này kéo tăng gần 4 điểm.
Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tuần qua là VCB của Ngân hàng Vietcombank và MBB của Ngân hàng Quân đội MB khi giúp chỉ số tăng lần lượt hơn 2,3 và gần 2 điểm./.
Xem thêm: lmth.34802000042210202-hcit-hcid-oaig-ud-hnis-ioh-us-cuht-auhc-gnah-nagn-ueihp-oc/nv.semitaer