Chúng tôi tiết kiệm chi tiêu, dành tiền để con được tiêm dịch vụ. Trong suy nghĩ của chúng tôi, tiêm dịch vụ hẳn sẽ ít phản ứng sau tiêm hơn, đặc biệt là các phản ứng nặng.
Khi tới phòng tiêm, chúng tôi làm các thủ tục theo hướng dẫn. Bác sĩ khám và chỉ định mũi tiêm ngày hôm đó. Sau đấy bác sĩ còn giới thiệu các loại vắc xin khác theo lứa tuổi của con cho hai vợ chồng.
Tôi chăm chú nghe nhưng trong lòng lại nghĩ: chúng tôi chỉ tiêm phòng cho con những bệnh cần thiết thôi (những bệnh nguy hiểm, tỉ lệ biến chứng và tử vong cao), còn những bệnh không nguy hiểm sẽ không tiêm, các bác sĩ cứ vẽ ra để tiêm cho nhiều.
Vắc xin phòng bệnh thủy đậu là một trong những vắc xin tôi nghĩ không cần thiết đó.
Giữa tháng 5-2023, cô con gái 3 tuổi của chị đồng nghiệp mắc thủy đậu. Chị ấy nói trong lớp mầm non của bé cũng có một số bạn mắc bệnh. Chị cắt phép, xin cơ quan nghỉ làm để ở nhà chăm con.
Gần 2 tuần sau, chị đi làm trở lại. Nhưng khác với trước đây, lúc nào chị cũng mang khẩu trang. Tôi tò mò hỏi chị, trời mùa hè nóng bức sao không mở khẩu trang cho dễ thở. Chị bảo chị ngại, đợt rồi chị bị lây thủy đậu từ con nên mặt giờ toàn vết thâm, còn có mấy vết sẹo.
Rồi chị tâm sự thêm, hồi trước khi đưa con đi tiêm, chị cũng được các bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu, nhưng chi phí gần một triệu nên chị tiếc tiền, nghĩ cũng đơn giản nên chị không tiêm cho cháu.
Ai ngờ, lúc cháu đi học lại bị lây từ bạn. Cháu ngứa, gãi nhiều nên bị bội nhiễm và để lại sẹo. Những vết sẹo này sẽ theo cháu suốt đời. Biết thế, chị cho cháu tiêm sớm phòng bệnh. Giờ thì "tiền mất tật mang". Tôi ậm ừ, rồi nghĩ đến con mình.
Buổi chiều hôm đó, trong giờ giải lao, theo thói quen tôi lại lướt mạng xem tin tức. Tôi truy cập vào báo Tuổi Trẻ, một tin đập vào mắt tôi: "Nam thanh niên 32 tuổi tử vong do mắc thủy đậu". Tôi truy cập vào link, đọc tỉ mỉ bài báo.
Thì ra bệnh thủy đậu cũng rất nguy hiểm: "Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời".
Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Số người mắc thủy đậu tại Việt Nam dao động từ 31.000 - 39.000 người mỗi năm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 4,2 triệu ca có biến chứng nặng của thủy đậu dẫn đến 4.200 ca tử vong. Vậy mà tôi cứ chủ quan, nghĩ đó chỉ là một bệnh đơn giản.
Tôi tìm trên mạng thêm các thông tin về bệnh thủy đậu. Tôi truy cập vào trang web của VNVC, tại đây tôi dễ dàng tìm được các thông tin liên quan về bệnh thủy đậu và vắc xin phòng ngừa.
Sau khi đọc xong, tôi gọi ngay về cho vợ, hẹn vợ sắp xếp lịch đi tiêm phòng thủy đậu sớm nhất cho cả gia đình.
Không có vắc xin nào là không cần thiết, đừng đánh mất cơ hội tiêm chủng khi còn được tiêm.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tôi nhớ hồi tôi lên 5 lên 6 của gần 60 năm về trước, mẹ đã là người sát sao chuyện giữ gìn sức khỏe cho các con, và sau này là chuyện tiêm ngừa cho con cháu.