Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký văn bản 333 đính chính nghị định 35/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, do sơ suất kỹ thuật, văn bản đính chính từ "Bãi bỏ khoản 2 điều 5, khoản 2 điều 9" thành "bãi bỏ khoản 2 điều 9"... Trên một số diễn đàn và doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về việc có thể gặp rắc rối khi "công văn đính chính nghị định".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Huy - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho hay nghị định 34/2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 154/2020) quy định rõ văn bản sau khi đăng công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày phải được đính chính.
Cùng với đó cũng quy định về hình thức đính chính văn bản bằng văn bản hành chính.
Với nghị định 35/2023 của Chính phủ, theo ông Huy, sau khi phát hiện sai sót, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm tham mưu với Chính phủ về việc đính chính, đảm bảo đúng quy định.
Tại văn bản 333 gửi các bộ, ngành, địa phương của Chính phủ do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký đã nêu rõ lý do sơ suất kỹ thuật xin đính chính sai sót. Từ văn bản này cũng thấy rõ Bộ Xây dựng khẳng định và chịu trách nhiệm với Chính phủ về lý do đính chính.
Trước đó, bà Tống Thị Hạnh - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) - cũng khẳng định văn bản đính chính số 333 là một phần nội dung của nghị định số 35, vì thế sẽ không làm khó các địa phương trong thực hiện quy định trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong thời gian qua nhiều văn bản đính chính các nghị định do có sai sót cũng đã được ban hành. Như văn bản đính chính nghị định 141/2020 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt, thừa ủy quyền ký.
Trước đó là một số văn bản của Chính phủ do các bộ trưởng thừa ủy quyền ký đính chính nghị định liên quan lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
Giữ lại quy định về nhà ở xã hội
Theo công văn đính chính, Chính phủ muốn giữ lại khoản 2 điều 5 nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, sau chưa đầy một tháng ban hành nghị định 35.
Nội dung khoản 2 điều 5 nghị định 100 vừa được giữ lại như sau: "Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước...
Hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký công văn 333 về việc đính chính nghị định 35 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.