Vẫn còn mua bán cổ phiếu chui
Mua bán "chui" cổ phiếu là cụm từ nhà đầu tư nói về hiện tượng người nội bộ doanh nghiệp hoặc liên quan giao dịch cổ phiếu không tuân thủ quy định về đăng ký giao dịch trước thời gian tối thiểu.
Ngoài vụ bán chui 75 triệu cổ phiếu gây rúng động của ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị FLC, một số vụ vi phạm quy định công bố thông tin khác cũng bị phanh phui.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch số tiền 1,83 tỉ đồng. Ngoài ra, Hải Thạch còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng.
Theo công bố của HNX, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, tổ chức liên quan đến ông Võ Thụy Linh - ủy viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã CK: HHV), được thực hiện giao dịch chuyển nhượng 12,2 triệu cổ phiếu HHV từ 15-11-2021 đến 17-11-2021. Tuy nhiên công ty đã chuyển nhượng số cổ phiếu này vào ngày 12-11-2021, ngoài khoảng thời gian công bố.
Tháng 4 năm nay, gia đình chủ tịch Hải Phát cũng bị phạt nặng vì không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch. Cụ thể, ngày 30-11-2022, ông Đỗ Quý Hải đã bán gần 6,28 triệu cổ phiếu HPX nhưng không báo cáo.
Ông Hải đã bị xử phạt gần 1,26 tỉ đồng, đồng thời đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng. Vợ và em trai ông Hải cũng bị xử phạt với vi phạm tương tự.
Hồi tháng 2, vì mua bán "chui" cổ phiếu SKG, một nhà đầu tư cá nhân cũng bị phạt số tiền 70 triệu đồng.
Hôm 26-6, SSC cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phạm Khánh Phương tổng số tiền 245 triệu đồng. Từ 23-6-2022 đến ngày 23-12-2022, ông Phương mua tới 45% vốn của Sông Đà 1.01 (mã CK: SJC) nhưng không đăng ký chào mua công khai, đồng thời nhiều lần vi phạm quy định công bố thông tin.
Theo quy định Luật Chứng khoán 2019, ngoài trách nhiệm công bố thông tin của người nội bộ, nhà đầu tư khi thay đổi tỉ lệ sở hữu tại công ty trong một số trường hợp phải báo cáo kết quả sau giao dịch.
Xử phạt chưa đủ răn đe?
"Hành vi bán chui cổ phiếu để trục lợi cần phải bị lên án và ngăn chặn bằng các chế tài đủ sức răn đe", ông Trương Hiền Phương, giám đốc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, nhấn mạnh với Tuổi Trẻ. Ông Phương cho rằng cũng có những người lơ là, vô tình vi phạm song đối tượng lợi dụng kẽ hở, cố tình vi phạm thu lợi nhiều hơn.
"Bởi chủ doanh nghiệp hay những người nội bộ khác đa phần có người quản lý tài sản, môi giới tư vấn. Các quy định về công bố thông tin thì không phức tạp gì cả. Nên bộ phận không hiểu biết có nhưng ít thôi", ông Phương nói.
Theo ông Phương, cơ quan quản lý cần xem xét lại chế tài xử phạt hiện nay và trả lời câu hỏi: Liệu mức xử phạt và hình phạt bổ sung đã đủ tính răn đe chưa? "Để có lợi, nhiều người bỏ qua chuyện uy tín rồi chấp nhận bị phạt", ông Phương nói và cho rằng nên xem xét tăng khung hạn chế giao dịch lên 1-2 năm thay vì chỉ 3-5 tháng như hiện nay.
Một số quan điểm cho rằng cần "mạnh tay" phạt theo giá trị giao dịch để cá nhân, tổ chức lớn nhỏ sẽ "không muốn vi phạm". Luật sư Trương Thanh Đức cho biết việc xử phạt cần "đánh" mạnh vào giá trị giao dịch hay lợi ích thu được từ hành vi vi phạm.
Ông Đức nêu một số bất cập trong quy định xử phạt chứng khoán hiện nay và cho rằng vì chưa đủ tính răn đe nên vẫn còn tình trạng vi phạm tái diễn. "Phạt phải nặng hơn số tiền thu lợi được từ vi phạm. Họ tính cả rồi, nộp phạt xong vẫn kiếm được mớ tiền thì vẫn sẽ làm", ông Đức nói.
Theo ông Đức, hiện quy định mức phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân được áp dụng cho hành vi thao túng chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán. Cần áp mức phạt này cho cả hành vi bán chui để tăng tính răn đe, chuyên gia đề xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại nói có thể áp dụng công nghệ để hạn chế tối đa tình trạng mua bán chui. Theo đó, đối với những trường hợp phải báo cáo trước giao dịch sẽ báo cáo, công bố thông tin rồi mới được mở "khóa" để giao dịch.
"Chúng tôi đã từng đề xuất vấn đề này rất lâu rồi. Điều này không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của họ nếu họ làm đúng", ông Hải nói với Tuổi Trẻ. Ông còn cho rằng đây là giải pháp chặn vi phạm từ "gốc".
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đề xuất nêu trên khó khả thi bởi lo ngại việc "không quản được thì cấm", chưa phù hợp thông lệ quốc tế nên trọng tâm vẫn là hoàn thiện quy định, tăng chế tài để răn đe hành vi vi phạm.
TTO - Trong khi các cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục "lau sàn", trong phiên ngày 12-1, cổ phiếu bất động sản cũng nằm sàn hàng loạt sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông báo bỏ cọc, không mua lô "đất vàng" Thủ Thiêm đã trúng đấu giá trước đó.