Chiều 17-7, ông Trần Quốc Bình - chủ tịch huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - cho biết tại xã Phú An thuộc huyện này vừa xảy ra một điểm sạt lở dài hơn 100m ven bờ sông Phú An. Hiện UBND huyện đã báo về tỉnh để khảo sát, tìm phương án khắc phục.
Theo ông Bình, điểm sạt lở nằm ở khu vực bờ tây sông Phú An (thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy), đoạn sạt lở dài hơn 120m, ăn sâu vào đất liền khoảng 5-6m và sụp xuống dòng nước.
Đoạn sạt lở đã uy hiếp 4 ngôi nhà của người dân ven đê, chia cắt đường giao thông cũng là tuyến đê ngăn lũ, triều cường ở nơi đây.
"Trước mắt chúng tôi sẽ cho người lắp biển để cảnh báo, hạn chế các phương tiện đi lại cho người dân biết. UBND huyện cũng đã đến vận động bà con sống ở gần đoạn sạt lở cần cảnh giác, khi thấy tình huống diễn biến xấu thì nên chuyển đi chỗ khác" - ông Bình nói.
Thời gian qua, tuyến đường thủy này có nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông, nước sông chảy xiết, gây ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Sông Phú An là một trong những "điểm nóng" về tình hình sạt lở của tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, tình trạng sạt lở đê ven bờ tây sông Phú An, thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy rất báo động.
Các điểm sạt lở "hàm ếch" đang tiếp tục tấn công gây mất đất, đe dọa tính mạng của con người và vườn cây đặc sản của người dân. Trong khi đó nguồn lực của địa phương hạn chế rất khó khắc phục.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang xảy ra 66 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 11.755m, cần hơn 133 tỉ đồng để khắc phục. Những điểm sạt lở tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Trong đó có nhiều điểm sạt lở lớn, nguy hiểm, vượt quá dự phòng ngân sách cấp huyện, cần phải xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản người dân.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ sạt lớn và đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại.
Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương chống sạt lở tại 34 điểm, với tổng chiều dài ước tính là 8.843m, kinh phí trên 47 tỉ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ là 38,2 tỉ đồng, ngân sách huyện là 9,2 tỉ đồng).
Với 32 điểm sạt lở còn lại, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khảo sát và có đề xuất để sớm khắc phục.
Các tỉnh miền Tây đang vào mùa mưa cũng là lúc tình trạng sạt lở trên các tuyến sông, rạch liên tục bủa vây người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều hộ dân lo lắng ăn ngủ không yên bởi tình trạng sạt lở luôn rình rập.