Ngày 17-7, Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Lừa tuyển chọn giọng đọc và lồng tiếng
Theo Công an Thủ Đức, hầu hết những người lừa đảo qua mạng đánh vào lòng tham, lợi ích vật chất, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết về pháp luật để thực hiện hành vi.
Điển hình, khoảng 12h30 ngày 9-6, chị N.T.T.L. (27 tuổi, ngụ phường Phước Long B) thấy trên mạng xã hội có thông tin tuyển chọn giọng đọc và lồng tiếng nên đồng ý ứng tuyển. Sau đó, chị L. được chuyên viên hướng dẫn làm nhiệm vụ.
"Chuyên viên" tên Lê Hoàng tư vấn và gửi cho chị L. một sản phẩm yêu cầu chụp lại sản phẩm và yêu cầu chị L. chuyển khoản 2 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng. Chị L. làm theo hướng dẫn và nhận lại 2,2 triệu đồng.
Chị L. tiếp tục làm nhiệm vụ và chuyển tổng số tiền là hơn 29 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền. Biết bị lừa nên chị L. đến công an phường trình báo vụ việc.
Trường hợp của chị V.T.M. (40 tuổi, ngụ phường Linh Chiểu) là vào lúc 14h45 ngày 29-5, chị truy cập Facebook vào quảng cáo "Vietnamese Kids Star" để đăng ký cho con trai thi người mẫu nhí.
Sau khi cung cấp thông tin cho con, chị M. được hướng dẫn sử dụng Zalo tiếp tục nhắn tin với tài khoản "Hm Fashion Model From" và vào hai nhóm nick "CASTING H&M ROUND I", "P139-CASTING ROUND 2" để làm nhiệm vụ mua hàng online, nạp tiền nhận nhiệm vụ hưởng hoa hồng, tích điểm và thể hiện sự quan tâm đến con cái.
Tổng cộng chị M. đã chuyển vào hai tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo số tiền hơn 244 triệu đồng. Các nhóm này chỉ chuyển trả lại chị M. 72 triệu đồng, tổng thiệt hại của chị M. là hơn 172 triệu đồng.
Cẩn thận các cuộc gọi video mờ, chập chờn
Trước đó, ngày 8-3, bà L.T.N.Ph. (48 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Đông) nhận được cuộc gọi từ hai số điện thoại, xưng là Công an TP Hà Nội nói bà Ph. liên quan đến đường dây mua bán trẻ em và rửa tiền. Yêu cầu bà Ph. chuyển hết tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ công tác điều tra.
Bà Ph. đã đến ngân hàng chuyển 1,3 tỉ đồng vào tài khoản. Sau đó, bà Ph. cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho những người lừa đảo.
Ngày 15-3, bà Ph. ra ngân hàng kiểm tra thì được biết số tiền hơn 1,3 tỉ đồng trên đã bị chuyển đi. Biết bị lừa, bà Ph. đến công an trình báo.
Công an TP Thủ Đức cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn mà những người này thường sử dụng để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản là: Xâm nhập trái phép (hack) tài khoản Facebook người thân, bạn bè của bị hại, sau đó chiếm quyền sử dụng, nhắn tin nhờ bị hại chuyển tiền giúp để xử lý công việc và sẽ trả lại sau.
Do tin tưởng là người thân nên bị hại nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản mà những người lừa đảo cung cấp và bị chiếm đoạt.
Hoặc lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân, chúng đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn rẻ trên Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30 - 50% giá trị) để đặt tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, giờ những người lừa đảo tinh vi hơn, những người này lấy video cũ, hình ảnh của chính chủ trên mạng rồi cắt ghép, dùng công nghệ deepfake (ghép hình ảnh, giọng nói giả người khác) để đánh lừa các nạn nhân.
Nếu các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.
Người nhận cuộc gọi Deepfake rất khó phân biệt thật giả và sập bẫy lừa đảo. Việc dùng cuộc gọi video Deepfake để lừa đảo ra sao?