Những thay đổi trong cách thức chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng đã dần đẩy các cửa hàng ra khỏi khu vực trung tâm của nhiều thành phố lớn và gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế địa phương.
Khu trung tâm thành phố San Francisco từng đông vui sầm uất, nay đã trở nên vắng lặng. Các cửa hàng bỏ trống xuất hiện ngày càng nhiều trên những tuyến phố thương mại chính,với những tấm biển lớn ghi chữ "ngừng kinh doanh" treo trên cửa sổ.
Anh Sten Are Amundsen, du khách nước ngoài, nói: "Rất nhiều cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa. Mọi thứ từng sôi động hơn rất nhiều khi tôi đến đây lần gần nhất".
Ông Jack Mogannam, quản lý quán bar, cho biết: "Tất cả những cửa hàng này, khoảng 7 đến 10 năm trước đều luôn được cho thuê hết. Còn bây giờ có rất nhiều cửa hàng ngay mặt tiền bị bỏ trống".
Các số liệu thống kê cho thấy, trong số hơn 200 nhà bán lẻ hoạt động tại đây trước đại dịch, khoảng một nửa đã rời đi, chủ yếu là bởi lượng khách hàng mua sắm ngày càng thưa thớt. Sự suy tàn của các cửa hàng thương mại cũng kéo theo sự sa sút của các ngành kinh doanh dịch vụ.
Ông Jack Mogannam cho biết thêm: "Kết quả kinh doanh không thể được như trước. Ngay cả trong năm ngoái, khi chúng tôi mở cửa trở lại sau đại dịch, bầu không khí cũng rất yên ắng. Năm nay, mọi thứ còn yên ắng hơn nữa".
Theo Thời báo Phố Wall, San Francisco và nhiều thành phố lớn khác tại Mỹ, như New York hay Los Angeles đều đang phải vật lộn sau đại dịch, để thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế. Tỷ lệ lấp đầy các văn phòng làm việc ở mức thấp, xu hướng người dân rời bỏ trung tâm thành phố ra ngoại ô, và áp lực lạm phát đã làm giảm đáng kể lượng khách mua sắm. Điều này đã buộc nhiều chuỗi bán lẻ hàng đầu phải cho đóng hàng loạt cửa hàng tại các khu trung tâm đắt đỏ, và tìm đến những địa điểm có chi phí phù hợp hơn.
Ông Rodney Fong, Chủ tịch Phòng Thương mại San Francisco, cho biết: "Các điều kiện kinh doanh đang thay đổi với nhiều thách thức không có lợi cho hoạt động bán lẻ. Chúng tôi đang cố gắng tìm các biện pháp để giải quyết vấn đề này".
Giới chức San Francisco hiện đang lên kế hoạch định hình lại khu vực trung tâm thành phố, phát triển theo hướng đa dạng và bền vững hơn, thay vì phụ thuộc quá mức vào ngành bán lẻ. Các hoạt động văn hóa giải trí sẽ được thúc đẩy, trong khi cơ sở hạ tầng cũng được nâng cấp để sớm thu hút người dân và doanh nghiệp quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43745642271703202-nol-ohp-hnaht-cac-mat-gnurt-ob-ior-ym-el-nab-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv