Nếu thời xưa các bậc đế vương tìm sự trường sinh cho riêng mình, thì ngày nay giới tỉ phú đi tìm liệu pháp bất lão cho nhân loại. Ngày càng nhiều tỉ phú công nghệ quyết định sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để cố gắng giúp con người "lừa cái chết".
Đi tìm sự "bất tử"
Theo kênh CNBC, các tỉ phú công nghệ Jeff Bezos của Amazon, Larry Page của Alphabet, Larry Ellison của Oracle và Peter Thiel của Palantir là một số tỉ phú đang quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực tuổi thọ.
Ông Bezos đã đầu tư lớn vào một công ty khởi nghiệp mới có tên Altos Labs - công ty lập trình công nghệ sinh học giúp loài người trẻ hóa. Công ty này cũng được nhà đầu tư mạo hiểm người Nga gốc Israel Yuri Milner đầu tư.
Tỉ phú Ellison, nhà sáng lập Oracle, đã quyên góp hơn 370 triệu USD để nghiên cứu về lão hóa và các bệnh liên quan đến tuổi tác.
Trong khi đó, hai nhà đồng sáng lập Google, tỉ phú Serge Brin và Larry Page, đã giúp khởi động Calico - một liên doanh bí mật theo dõi chuột từ khi sinh ra cho đến khi chết với hy vọng tìm ra dấu hiệu của các bệnh tuổi già như tiểu đường và Alzheimer.
Một trong những tỉ phú công nghệ ủng hộ lớn nhất cho việc kéo dài tuổi thọ là Thiel - đồng sáng lập Công ty dịch vụ thương mại điện tử PayPal và Công ty phân tích dữ liệu Palantir.
Năm 2006, ông Thiel đã quyên góp 3,5 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu chống lão hóa thông qua tổ chức phi lợi nhuận Methuselah Mouse Prize và tăng đầu tư lên 7 triệu USD vào năm 2017.
Cả hai tỉ phú Thiel và Bezos đều đã đầu tư vào Unity Biotech có trụ sở tại San Francisco với mong muốn "làm biến mất 1/3 bệnh tật ở người tại các nước phát triển".
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, tỉ phú người Anh Jim Mellon nói với CNBC rằng ông đang lên kế hoạch đưa công ty riêng Juvenhood với sứ mệnh kéo dài tuổi thọ ra sàn chứng khoán trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Hiện nay, Juvenhood đang tiếp tục đầu tư vào một loạt công ty sử dụng các liệu pháp chống lão hóa bao gồm: Insilico Medicine sử dụng trí tuệ nhân tạo để khám phá thuốc "trường sinh", AgeX Therapeutics chuyên tạo ra các tế bào gốc có thể tái hồi xuân các mô lão hóa, và Công ty LyGenesis chuyên về "liệu pháp tế bào cho các bệnh đe dọa tính mạng liên quan đến gan, tuyến ức, thận, tuyến tụy".
Lập trình trẻ hóa
Theo một ước tính của báo Guardian, doanh thu của ngành công nghiệp chống lão hóa toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 200 tỉ USD hiện nay lên 420 tỉ USD vào năm 2030. Một dấu hiệu về triển vọng tươi sáng của ngành này là sự tham gia của những tỉ phú công nghệ Mỹ.
Có cả một hội nghị các nhà đầu tư trường thọ tổ chức tại Gstaad, một thị trấn nghỉ mát trượt tuyết sang trọng ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, vào tháng 11-2022. Trong số 150 người dự cuộc họp này, 120 người là các triệu phú và tỉ phú sẵn sàng bơm tiền đầu tư vào các dự án "trường thọ".
Các phòng thí nghiệm, nghiên cứu cũng đang ráo riết theo đuổi công nghệ "tái lập trình" cơ thể lão hóa trở lại tuổi trẻ.
Cách đây hơn 15 năm, các nhà khoa học tại Đại học Kyoto ở Nhật Bản đã có một khám phá đáng chú ý. Theo đó, họ thêm bốn loại protein vào một tế bào da. Sau hai tuần, một số tế bào bất ngờ trở nên "trẻ trung" lại.
Tiếp theo, chúng biến thành tế bào gốc gần giống với loại được tìm thấy trong phôi thai vài ngày tuổi đang bắt đầu cuộc hành trình của sự sống. Khám phá này mang lại giải Nobel cho bác sĩ Nhật Shinya Yamanaka.
Giờ đây, sau hơn một thập niên nghiên cứu và điều chỉnh cái gọi là tái lập trình tế bào, một số công ty công nghệ sinh học và phòng thí nghiệm nghiên cứu cho biết họ có những quy trình có thể là cửa ngõ dẫn đến một công nghệ mới chưa từng có để đảo ngược tuổi tác.
Chẳng hạn, LyGenesis đã đi đến giai đoạn 2A chứng minh hiệu quả lâm sàng và xác lập bằng chứng của liệu pháp tế bào đối với việc phục hồi gan ở giai đoạn cuối. Một trong những người chủ chốt thúc đẩy cho ý tưởng này là Richard Klausner.
Ông là nhà tổ chức và khoa học gia trưởng của Altos Labs, một công ty nghiên cứu mới và nhận hơn 3 tỉ USD đầu tư từ giới siêu giàu ở Thung lũng Silicon và Vịnh Ba Tư, trong đó có tỉ phú Bezos.
Klausner đã thu hút hàng chục nhà khoa học hàng đầu với mức lương đãi ngộ từ 1 triệu USD trở lên và cho phép họ làm việc trên một công nghệ mà công ty gọi là "lập trình trẻ hóa".
Vừa qua, ông Klausner tiết lộ nhờ một liều của quá trình "trẻ hóa y tế", một con chuột béo đã hết tiểu đường và trẻ ra hẳn. Hiện tượng "lập trình trẻ hóa" một phần này hiện đang là trọng tâm chính của Altos và các tổ chức nghiên cứu khác.
Gần đây, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ David Sinclair đứng đầu, bao gồm các Đại học Harvard, Đại học Maine và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã báo cáo kết quả một nghiên cứu khoa học.
Theo đó, những con chuột tiếp xúc với ba yếu tố tái lập trình có thể tái tạo dây thần kinh thị giác và lấy lại thị lực cũng như trẻ ra. Kết quả đó đã được các nhà khoa học này công bố trên tạp chí khoa học uy tín Aging vào ngày 12-7 năm nay.
Triệu phú "trẻ hóa" thất bại
Triệu phú Bryan Johnson, 45 tuổi, giám đốc điều hành một công ty công nghệ, cho biết ông đã nhận được "huyết tương trẻ" mỗi tháng một lần và trong sáu tháng. Huyết tương này được chiết xuất từ 1 lít máu của cậu con trai Talmage 17 tuổi của ông.
Đội ngũ bác sĩ của ông cho rằng liệu trình này có thể làm giảm lão hóa não bộ và tái tạo các tế bào của cơ thể. Tuy nhiên, ông Bryan Johnson đã tweet vào tuần trước rằng ông sẽ ngừng "trao đổi huyết tương trẻ" sau khi thấy rằng nó không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Các nhà khoa học Harvard tuyên bố họ đang tiến gần hơn đến nguồn thuốc 'trường sinh' có thể giúp con người đảo ngược quá trình lão hóa.