Theo báo cáo tài chính quý II/2023 do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) công bố, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 361 tỷ đồng; lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 36,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 64,9% so với quý II năm trước. Trong đó, doanh thu bán điện quý II tăng 64,9% lên 361 tỷ đồng.
Doanh thu này đến từ 148,6 triệu kwh điện sản xuất và 134,26 triệu kwh điện thương phẩm, lần lượt tăng 65,9 triệu kwh và 59,8 triệu kwh, tương đương tăng 79,6% và 80,3% so với quý II/2022.
Tuy vậy chi phí vốn tăng cao dẫn tới lợi nhuận sau thuế còn gần 22 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Giải trình về kết quả kinh doanh, phía Nhiệt điện Ninh Bình cho biết do công ty là đơn vị phát dịch vụ phụ trợ nên việc phát sản lượng phụ thuộc vào Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) huy động. Doanh thu cao hơn 142,3 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng điện quý II tăng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Nhiệt điện Ninh Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 392,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 17 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 106% và 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, Nhiệt điện Ninh Bình đặt mục tiêu đạt gần 854 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 7,7 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, dù mới hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu nhưng công ty đã vượt 120% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tại ngày 30/6/2023, Nhiệt điện Ninh Bình ghi nhận tổng cộng tài sản là 549 tỷ đồng, tăng 17% so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền tăng vọt từ 11 tỷ đồng hồi đầu năm lên 127 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả cuối quý II/2023 là 274 tỷ đồng, tăng 35,1% so với số tại ngày đầu năm, trong đó, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Công ty có vốn chủ sở hữu gần 275 tỷ đồng, trong đó bao gồm 19 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và gần 34 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Theo báo cáo triển vọng ngành điện Chứng khoán VNDriect mới công bố, nhóm nghiên cứu nhận định nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng tỉ trọng lên 34% nhờ sự bổ sung của 2.632MW đi vào vận hành, theo sau là thủy điện, chiếm 29% tổng công suất với 1.636MW nguồn bổ sung.
Công suất suất các nguồn điện khác không thay đổi nhiều và chỉ có năng lượng tái tạo ghi nhận các dự án chuyển tiếp nhưng chưa rõ thời gian đi vào vận hành.
Về huy động sản lượng, dự báo sản lượng thủy điện giảm mạnh trong 2023 do điều kiện thời tiết không thuận lợi và phục hồi từ 2024. Nhiệt điện than sẽ tiếp tục ghi nhận tỉ trọng huy động thấp, chủ yếu do các nhà máy điện than trộn và nhập khẩu được huy động ít hơn.
Nhiệt điện khí có thể sẽ ghi nhận tình trạng huy động tích cực hơn với 12% tổng tỷ trọng nhờ thủy điện thoái trào và giá khí đầu vào hạ nhiệt. Sản lượng điện năng lượng tái tạo dự kiến tăng nhờ 2.000MW dự án chuyển tiếp bổ sung.