Sáng 18.7, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Tổ chức Planète Enfants et Développemnet tại Việt Nam (PE&D tại Việt Nam) tổ chức hội nghị tổng kết dự án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện cho trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn TP.HCM.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết dự án này được triển khai từ giữa năm 2021 tại Q.Tân Phú và TP.Thủ Đức. Đến nay, đội ngũ công tác xã hội của dự án đã tiếp cận, đồng hành với hơn 500 gia đình có trẻ dưới 6 tuổi thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Cạnh đó, dự án này nhấn mạnh vai trò của việc tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời cho phụ huynh, đặc biệt là người chăm sóc trẻ tại các trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ - nơi mà trong thời gian qua diễn ra nhiều vụ bạo hành, bạo lực trẻ em.
Đặc biệt, các đơn vị kết nối dịch vụ hỗ trợ ngoài dự án cho trẻ và gia đình với các đối tác khác với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. Các dịch vụ này bao gồm hỗ trợ tài chính, dinh dưỡng, sinh kế, học bổng, y tế, làm giấy tờ tùy thân và trợ giúp pháp lý… cho trẻ và gia đình.
Bà Julia Levivier, Trưởng đại diện PE&D tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của việc chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời. Theo đó, việc phát triển tuổi thơ (từ khi thụ thai tới khi trẻ được đi học) sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển não bộ của trẻ trong tương lai.
Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng việc được tương tác, chăm sóc tích cực và được yêu thương bởi gia đình sẽ giúp trẻ phát triển đầy đủ về trí tuệ, cảm xúc. Dẫn chứng những thành công của dự án, bà Julia Levivier cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động sắp tới.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn vì tuổi thơ của trẻ, đồng thời đề nghị các địa phương xây dựng dự án này thành mô hình riêng, qua đó có thể nhân rộng các hoạt động từ dự án ở các bệnh viện phụ sản.
Theo một số báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), não bộ của trẻ được xây dựng, phát triển chứ không phải do bẩm sinh. Tuy nhiên, nhiều trẻ em trên thế giới nói chung vẫn đang thiếu nhiều thành phần để giúp não bộ phát triển tối ưu, như dinh dưỡng, nước sạch, y tế, bảo vệ khỏi bạo lực, xâm hại...
UNICEF đánh giá rằng hầu hết trẻ em bị bỏ lỡ cơ hội trong giai đoạn đầu là những trẻ sống trong những cộng đồng thiệt thòi nhất (nhóm dễ bị tổn thương, hoàn cảnh đặc biệt). Các em có sức khỏe kém hơn, ít kỹ năng học tập hơn, mất đi nhiều cơ hội và tiềm năng trong tương lai. Điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và gia tăng gánh nặng lên trợ giúp xã hội, chưa kể tạo nên vòng luẩn quẩn các thế hệ bị thiếu hụt, lệ thuộc.
Tại TP.HCM có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó có hơn 10.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (như trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em phải kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập THCS, trẻ bị xâm hại...), đồng thời có hơn 19.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Các khó khăn liên quan công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại TP.HCM liên quan nguồn lực, nhân lực, đặc biệt là cơ sở dữ liệu trẻ em chưa hoàn thiện. Trong khi đó, trẻ em khuyết tật bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em lang thang kiếm sống... có chiều hướng gia tăng. Vì vậy rất cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện với tất cả trẻ em.