Quản lý, thu thuế mỗi người một nẻo
Liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản công, ngày 18-7 HĐND TP Đà Nẵng đã dành riêng một phiên để thảo luận và giải trình.
Dẫn chứng tình trạng quản lý lỏng lẻo, đại biểu Trần Tuấn Lợi nhắc báo cáo của Cục Thuế về trường hợp 66 lô đất đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn chưa được gia hạn hoặc thu hồi theo quy định. Thậm chí nhiều trường hợp đã hết thời hạn thuê đất từ năm 2005, 2006, 2011, 2017... nhưng đến nay vẫn còn sử dụng.
"Việc quản lý quỹ đất cho thuê làm chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhiều trường hợp đất đã hết hạn thuê cũng như đã thu hồi đất nhưng cơ quan thuế vẫn phát hành thông báo thuế. Cung cấp thông tin địa chính thì không đầy đủ, không kịp thời.
Có tình trạng các đơn vị đã kết thúc việc khai thác mỏ nhưng Cục Thuế TP vẫn thông báo nộp tiền thuê đất do chưa nhận được thông tin từ Chi cục Quản lý đất đai TP", ông Lợi nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng đề án quản lý và khai thác quỹ đất công được Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý trên địa bàn TP tổ chức triển khai thực hiện chậm, việc quản lý các khu đất lớn và đất phân lô ở các dự án chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng đổ rác thải, xà bần… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hạ giá.
Ai quản lý có lợi hơn thì nên phân cấp
Nhấn mạnh đến việc sử dụng hiệu quả tài sản công, ông Lương Nguyễn Minh Triết, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, yêu cầu UBND TP nâng cao nhận thức cán bộ, công chức bởi có giai đoạn cán bộ công chức chưa làm hết trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng tài sản công.
"Phải hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công cho phù hợp. Trong đó có quản lý quỹ đất, quản lý chung cư, nhà ở xã hội làm sao cho chặt chẽ, chính xác, đồng bộ. Không để tình trạng mạnh ai nấy quản lý, mạnh ai lấy số liệu đấy", ông Triết nói.
Cũng theo ông Triết, cần xem lại việc phân cấp quản lý tài sản công trên nguyên tắc cấp nào quản lý có lợi hơn cho Nhà nước, cho người dân thì phân về cho cấp đó. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu tháo dỡ việc nhiều tài sản công không sử dụng lâu dài.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, toàn thành phố có tới 14.000 lô đất tái định cư đang để trống. Việc quản lý quỹ đất cho thuê ở Đà Nẵng còn nhiều thiếu sót, không những làm thất thu ngân sách cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp.
Cụ thể, một số cơ sở đã hết thời hạn thuê đất nhưng vẫn chưa được gia hạn hoặc thu hồi theo quy định, điều này ảnh hưởng đến công tác xác định nghĩa vụ tài chính đối với doanh nghiệp.
Nhiều lô đất thuê đã hết hạn thuê chưa được xem xét gia hạn nên không được ổn định đơn giá thuê đất theo quy định, không được hưởng chính sách giảm, giãn tiền thuê đất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch…
Vì thế, theo chủ tịch HĐND TP, cần nghiên cứu, hợp thửa một số lô đất để làm công trình công cộng như giáo dục, y tế, bãi đỗ xe vốn đang bức bách.
Ngày 30-6, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với Nguyễn Quang Trung - cựu tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng và 4 thuộc cấp.