Nhiều hạng mục như: nút giao, đường gom dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống chiếu sáng, rãnh thoát nước… của hai dự án cao tốc đến nay vẫn chưa hoàn thiện, trượt tiến độ như kế hoạch ban đầu.
Xuất hiện tình trạng thi công cầm chừng?
Theo ghi nhận, khối lượng công việc còn lại thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây bộn bề nhất là các đoạn làm mái tatuy đồi km30, km32, các nút giao với quốc lộ 55, quốc lộ 1, ĐT 720 và ĐT 715.
Tại các vị trí làm mái taluy đồi, tài xế phải hạn chế tốc độ còn 60km/h vì nhà thầu đang tập kết phương tiện và nhân lực thi công.
Đối với các nút giao, hệ thống nền bê tông xi măng làm trạm thu phí vẫn đang thi công. Xe qua các đoạn này đi thật chậm do có các vị trí gờ cao.
Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng, bảng chỉ dẫn, sơn kẻ đường vẫn chưa hoàn thiện. Đêm tối, nhiều tài xế lên xuống các nút giao này gặp nhiều khó khăn để tìm lối đi.
Đặc biệt là tại nút giao Ba Bàu ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Đây là đoạn liên thông giữa hai dự án, đồng thời là nút giao kết nối với quốc lộ 1. Nút giao này lưu lượng xe lên xuống rất lớn, hay xảy ra ùn tắc những ngày cuối tuần.
Theo một đơn vị tư vấn giám sát tại dự án, sau khi tuyến chính Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác từ ngày 29-4, các nhà thầu bắt đầu thi công cầm chừng, không quyết liệt như giai đoạn trước.
Nhiều hạng mục dừng thi công quá lâu khiến dự án trượt tiến độ trước ngày 30-6 như kế hoạch ban đầu.
Đối với hệ thống đường gom dân sinh, người dân sống xung quanh dự án gặp nhiều phiền toái vì di chuyển xa, cũng như chưa hoàn thiện.
Lý giải những bất cập trên, ông Đặng Hùng Thái (giám đốc điều hành dự án Phan Thiết - Dầu Giây) cho rằng do tuyến chính đưa vào khai thác nên việc tập kết phương tiện, nhân lực thi công các hạng mục còn lại ảnh hưởng rất lớn.
Sau giai đoạn hoàn thiện tuyến chính, nhiều nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn về tài chính bởi trượt giá của dự án quá lớn.
"Hiện nay, các nhà thầu đã bắt đầu quyết tâm làm trở lại. Đơn vị nào cũng muốn xong sớm dự án này để còn đi làm các dự án khác", ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, khoảng trong tháng 7 hoặc chậm nhất tháng 8 sẽ hoàn thiện các nút giao, đường gom dân sinh vì đang mùa mưa nên việc triển khai thi công gặp bất lợi.
Một đơn vị tư vấn cho biết ngoài khó khăn về nguồn tài chính, có nhiều nhà thầu cùng lúc thi công nhiều dự án. Việc cùng lúc làm nhiều dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ vì không thể tập trung cho một bên.
Sẽ bổ sung cầu vượt, làm thêm đường nhánh
Ông Thái thừa nhận sau khi tuyến chính đưa vào khai thác, chủ đầu tư không lường trước được mật độ xe cộ di chuyển đông như vậy và phát sinh một số bất cập.
Nhất là tại nút giao Ba Bàu, dòng xe vào thường xuyên xảy ra xung đột, ùn tắc. Một đơn vị tư vấn giám sát cho biết nút giao này nằm trong phạm vi cả hai dự án có lúc chưa thống nhất tiến độ thi công.
"Chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án làm thêm đường nhánh dẫn từ tuyến chính hướng TP.HCM ra Phan Thiết độc lập, tránh xung đột, giao cắt với hướng vào như hiện nay. Còn tại nút giao với quốc lộ 1, đơn vị tư vấn cũng đang phối hợp nghiên cứu bổ sung thêm cầu vượt", ông Thái cho hay.
Ông nói thêm: "Trước mắt, tại vị trí xảy ra xung đột các dòng xe ra vào và quốc lộ 1 sẽ sớm được bổ sung đèn tín hiệu giao thông. Tất cả những hạng mục này đều phát sinh sau này. Do dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách nên phát sinh cái nào cũng phải làm theo trình tự thủ tục, không thể tự ý bổ sung được".
Tương tự, ông Phạm Quốc Huy (giám đốc điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết) cho biết sau khi kết thúc tuyến chính thì nhiều nhà thầu gặp khó về nguồn tài chính, nhưng vẫn duy trì thi công.
"Hệ thống đường gom dân sinh phần lớn đã xong nền và thảm một lớp cấp phối đá dăm. Sau khi thời tiết thuận lợi sẽ thảm nhựa nóng. Còn các vị trí bổ sung đường gom sau này, chủ đầu tư cũng chờ địa phương bàn giao mặt bằng mới tổ chức thi công được", ông Huy nói.
Cả hai ông cho biết thêm hiện các dự án cao tốc trên vẫn đang trong thời gian khai thác tạm, chưa hoàn thành nghiệm thu bàn giao. Khi xảy ra phát sinh hoặc sự cố thì chủ đầu tư và nhà thầu tự chịu trách nhiệm, chưa tính thời gian bảo hành 24 tháng như những dự án khác.
Gần hai tháng hoạt động, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vẫn trong tình trạng vừa khai thác, vừa thi công hoàn thiện khiến các tài xế vừa chạy vừa lo.