vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc xoay xở trước thời tiết trái ngược ở hai đầu đất nước

2023-07-19 05:58

Ngày 17-7, Trung Quốc (TQ) cho biết nước này đã ghi nhận mức nhiệt 52,2 độ C ở vùng tây bắc. Đây là mức nhiệt giữa tháng 7 cao nhất trong lịch sử khí tượng TQ, theo hãng tin AFP. Tối cùng ngày, giới chức TQ xác nhận bão Talim đã đổ bộ vào khu vực ven biển phía Nam nước này với sức gió lớn.

Diễn biến thời tiết trái ngược ở hai đầu đất nước TQ đang cho thấy tác động lớn của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng sự khởi đầu của hiện tượng El Niño cũng góp phần vào tình trạng thời tiết bất ổn này.

Bắc hứng nắng nóng, Nam đón mưa lũ

Cục Khí tượng TQ cho biết mức nhiệt kỷ lục hôm 17-7 được ghi nhận ở làng Tam Bảo, TP Thổ Lỗ Phồn, khu vực Tân Cương “đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất là 52,2 độ C lúc 19 giờ ngày 16-7. Mức nhiệt này phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cùng kỳ các năm trước”. Theo Cục Khí tượng TQ, kỷ lục nhiệt độ trước đó là 50,6 độ C được thiết lập vào tháng 7-2017.

Theo hãng tin Reuters, nhiệt độ cao kéo dài ở TQ gây lo ngại về khả năng lặp lại đợt hạn hán năm 2022. Đó là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua ở TQ, kéo dài 70 ngày, ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người ở 17 tỉnh.

Trước khi mức nhiệt kỷ lục này được ghi nhận, nhiều nơi ở TQ đã phải đối mặt với nắng nóng rát da. Nhà chức trách TQ cho biết nắng nóng đã đến sớm hơn, lan rộng và khắc nghiệt hơn so với những năm trước.

Cụ thể, thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận mức nhiệt tháng 6 cao nhất từ trước đến nay, đạt 41,1 độ C vào ngày 22-6. Trong ngày 6-7, Bắc Kinh cũng ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C.

Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia TQ, tổng cộng 214 trạm thời tiết cấp quốc gia đã ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục trong tháng 6. Các nhà khí tượng học cảnh báo các đợt nắng nóng dự kiến tiếp tục vào tháng 8. Theo đó, nhiệt độ ở Bắc Kinh và một phần của các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Vân Nam được dự báo cao hơn 1 hoặc 2 độ C so với mức trung bình.

Trong khi đó, ở phía Nam TQ, Talim là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào nước này trong năm nay. Theo cơ quan thời tiết tỉnh Quảng Đông, bão đổ bộ vào TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông lúc 22 giờ 20 ngày 17-7, với sức gió gần tâm bão đạt tốc độ tối đa 136,8 km/giờ.

Đến sáng 18-7, bão Talim đổ bộ lần hai vào TQ, tại khu vực ven biển của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tốc độ gió tối đa ở vùng gần tâm bão lên đến 90 km/giờ.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia TQ trước đó đã kêu gọi chính quyền hai tỉnh Quảng Đông và Hải Nam sẵn sàng ứng phó với bão Talim. Nhà chức trách cũng đưa ra cảnh báo lũ lụt, hủy các chuyến bay, tàu hỏa và yêu cầu người dân ở nhà.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, gần 230.000 người dân ở tỉnh Quảng Đông đã được sơ tán đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương đã ra lệnh đóng cửa 68 điểm du lịch ven biển và ra lệnh sơ tán 8.262 công nhân nuôi cá vào bờ. Nhà chức trách cũng đã điều năm máy bay trực thăng, 46 tàu cứu hộ và tám đội cứu hộ khẩn cấp để sẵn sàng ứng phó với bão.

Trước khi bão Talim đổ bộ vào TQ, khu vực miền Nam nước này cũng chứng kiến lượng mưa lớn bất thường. Theo Tân Hoa Xã, ngày 14-7, hơn 2.600 cư dân đã được sơ tán sau khi mưa lớn gây ngập lụt đường phố và nhà cửa ở TP Trùng Khánh, Tây Nam TQ.

Mưa lớn trước đó cũng ảnh hưởng đến tỉnh Tứ Xuyên. Hơn 85.000 cư dân tại đây đã phải di dời.

Trung Quốc xoay xở trước thời tiết trái ngược ở hai đầu đất nước ảnh 1

Người dân che chắn giữa cái nóng khắc nghiệt ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 5-7. Ảnh: GETTY IMAGES

Trung Quốc xoay xở trước thời tiết trái ngược ở hai đầu đất nước ảnh 2

Một phụ nữ đi dưới trời mưa lớn do ảnh hưởng của bão Talim tại Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày 18-7. Ảnh: CGTN

Thời tiết vẫn sẽ khắc nghiệt

Theo Tân Hoa Xã, các nhà khí tượng học cho biết TQ đã trải qua bốn đợt nắng nóng cấp khu vực vào tháng 6. Các đợt nắng nóng này đến sớm hơn, lan rộng hơn và cực đoan hơn so với những năm trước.

Ông Cao Huy, nhà dự báo thời tiết của Trung tâm Khí hậu quốc gia TQ, cho biết nhiều yếu tố như tình trạng ấm lên toàn cầu và sự gia tăng các hoạt động của con người đã dẫn đến việc có nhiều ngày nắng nóng hơn ở miền Bắc TQ. Ngoài ra, ông cũng cho rằng sự khởi đầu của El Niño cũng góp phần gây ra tình trạng này.

Nắng nóng ở khu vực phía bắc đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo Nhật báo Bắc Kinh, kể từ tháng 6, đường dây nóng khẩn cấp y tế của Bắc Kinh đã nhận được trung bình 30 cuộc gọi mỗi ngày liên quan đến say nắng.

Những đợt nắng nóng dai dẳng đã gây áp lực lớn lên lưới điện của TQ, khi nhu cầu sử dụng thiết bị điều hòa không khí tăng cao. Một số chính quyền địa phương kêu gọi các công ty và người dân hạn chế sử dụng điện. Một số nhà ga ở hai tỉnh Hà Nam và Hồ Nam đã đặt những khối đá lớn bên trong sảnh khởi hành để giảm nhiệt độ không khí trong lúc hành khách chờ tàu.

Theo đài CCTV, nhiệt độ khắc nghiệt đã thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm chống nắng. Trong đó, “facekini” - một loại mặt nạ che kín mặt có lỗ cho mắt, mũi và miệng, dùng để chống nắng đã được người dân đổ xô đi mua.

Để giảm thiểu tác động của nắng nóng, chính quyền TQ đề nghị các địa phương tạm dừng các hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ tăng cao. Giới chức TQ cũng khuyến cáo chính quyền địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng làm mưa nhân tạo khi thích hợp và kêu gọi người dân địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa say nắng.

Liên quan đến tình hình mưa bão, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đầu tháng này đã chỉ đạo chính quyền các cấp đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong quá trình thực hiện các biện pháp ứng phó.

Cơ quan khí tượng TQ cũng cảnh báo nước này còn có thể hứng chịu “nhiều thảm họa thiên nhiên trong tháng 7 này, bao gồm lũ lụt, thời tiết đối lưu khắc nghiệt, bão”.•

Ông John Kerry đến Trung Quốc bàn về khí hậu

Nhiệt độ toàn cầu khắc nghiệt nhấn mạnh tính cấp bách trong các cuộc đàm phán giữa TQ và Mỹ. Ngày 17-7, ông John Kerry - đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ đã gặp ông Giải Chấn Hoa - đặc phái viên TQ về biến đổi khí hậu tại Bắc Kinh (TQ).

Đài CCTV cho biết phiên họp giữa ông Kerry và ông Giải kéo dài hơn 4 giờ. Hai bên không có tuyên bố chính thức nào sau cuộc gặp. Tối 17-7, trên Twitter, ông Kerry xác nhận ông đã kết thúc ngày đối thoại đầu tiên ở Bắc Kinh.

“Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phải hợp tác với nhau để hạn chế sự nóng lên của Trái đất. Chúng ta phải hành động khẩn cấp trên một số mặt trận, đặc biệt là những thách thức về ô nhiễm than và khí methane” - ông Kerry viết trên Twitter.

HỒNG SƠN

Xem thêm: lmth.169247tsop-coun-tad-uad-iah-o-cougn-iart-teit-ioht-court-ox-yaox-couq-gnurt/nv.olp

“Trung Quốc xoay xở trước thời tiết trái ngược ở hai đầu đất nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools