Tên lửa Triều Tiên bay xa 600km
Rạng sáng 19-7, giờ Việt Nam, quân đội Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía đông nước này.
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) phát hiện các tên lửa được phóng lên vào lúc 3h30 và 3h46 sáng.
Tên lửa thứ nhất bay 550km và tên lửa thứ hai bay 600km ở độ cao giống nhau là 50km trước khi rơi xuống biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
JCS lên án vụ phóng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và khẳng định quân đội Hàn Quốc đang đặt trong tình trạng sẵn sàng trước các "khiêu khích" của Bình Nhưỡng. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói nước này đã phản đối qua các kênh ngoại giao.
Trong khi đó, Mỹ thông báo đang thảo luận với các đồng minh về vụ việc và cho rằng các vụ phóng mới nhất không đe dọa Mỹ cũng như các đồng minh.
Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nóng lên gần đây. Một ngày trước đó, Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Trong ngày 18-7, Triều Tiên cũng bắt giữ một công dân Mỹ vượt qua biên giới liên Triều. Trước đó một tuần, Triều Tiên cũng phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 vào ngày 12-7.
* Mỹ tin Ukraine vẫn còn đủ sức để tiếp tục phản công. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khẳng định còn quá sớm để nói rằng phản công của Ukraine đã thất bại. Theo ông, Ukraine vẫn còn năng lực chiến đấu đáng kể cho cuộc phản công chậm rãi và lâu dài.
Ông Milley cho biết quân đội Kiev đang đối mặt với sự phòng thủ kiên cố của Nga gồm các bãi mìn, chướng ngại vật xe tăng, dây thép gai và chiến hào.
"Cuộc phản công sẽ kéo dài, khó khăn và đẫm máu", ông nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Washington và các đồng minh sẽ tiếp tục củng cố năng lực chiến đấu cho Kiev.
Trong ngày 18-7, Nga đã tăng cường tấn công các cảng biển của Ukraine sau khi ngừng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và tuyên bố đạt được bước tiến ở miền đông Ukraine.
* Ông Trump đoán mình sẽ bị buộc tội. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã nhận được thông báo từ công tố viên đặc biệt Jack Smith rằng ông đang bị điều tra liên quan đến cuộc bạo loạn tòa nhà Quốc hội Mỹ vào tháng 1-2021.
"Điều này hầu như luôn có nghĩa là bắt giữ và truy tố", Hãng tin AFP dẫn lời ông Trump nói khi chỉ trích "cuộc săn phù thủy" của công tố viên "loạn trí" Smith.
Trong cuộc bạo loạn cách đây hơn 2 năm, ông Trump đã kêu gọi người ủng hộ phản ứng với kết quả cuộc bầu cử dẫn đến việc đám đông ập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ để ngăn cơ quan này xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Trước đó, công tố viên Smith cũng đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với ông Trump, ứng viên tiềm năng của Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử 2024, vì cất giữ các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Nắng nóng cực điểm khắp thế giới
Nhiệt độ tiếp tục phá kỷ lục ở nhiều nơi khi thế giới chứng kiến tuần lễ đầu tiên của tháng 7 nóng chưa từng thấy.
Theo Đài CNN, cơ quan điều phối phản ứng khẩn cấp châu Âu đã phát cảnh báo đỏ trong ngày 19-7 tại "hầu hết nước Ý, miền đông Croatia, miền nam Tây Ban Nha, miền nam Bosnia và Herzegovina, Montenegro".
Nhiệt độ tại Rome (Ý) đã chạm nóc 41,8 độ C ngày 18-7. Cái nóng gây ra các đám cháy ở những nơi như Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Tại Mỹ, hàng triệu người ở phía tây nam và nam phải đối mặt với nhiệt độ cao nguy hiểm khi các vùng như Texas và Arizona đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần.
Thành phố Phoenix đã trải qua ngày thứ 19 liên tiếp nhiệt độ trên 43 độ C. Nhưng đó chưa là gì so với nhiệt độ có lúc lên đến 67 độ C tại miền nam Iran, gần chạm ngưỡng mà con người có thể chịu đựng.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nói rằng nắng nóng là đáng báo động nhưng không quá ngạc nhiên vì đã được dự báo trước. WMO cảnh báo thế giới cần chuẩn bị trước việc đợt nắng nóng này sẽ tiếp tục kéo dài.
* Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng lần 2 hôm nay. Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), tiếp tục là ứng viên cho cuộc bỏ phiếu lần 2 của Quốc hội Thái Lan diễn ra trong ngày 19-7.
Tuy nhiên, khả năng ông xoay chuyển được tình hình là rất thấp sau khi chỉ nhận được 13/249 phiếu ủng hộ từ Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13-7.
Theo báo Bangkok Post, có nguy cơ Quốc hội Thái Lan có thể bác bỏ tư cách ứng viên của ông Pita. Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp nước này cũng dự kiến họp trong ngày để ra quyết định xử lý kiến nghị của Ủy ban Bầu cử về việc đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông liên quan đến cáo buộc sở hữu cổ phần công ty truyền thông trong thời gian tranh cử.
* Pháp phản ứng việc châu Âu thuê nhà kinh tế Mỹ. Tổng thống Emmanuel Macron và các chính trị gia Pháp nói rằng việc Hội đồng châu Âu thuê chuyên gia Fiona Scott Morton để cố vấn chính sách đối với các hãng công nghệ lớn có thể gây xung đột lợi ích.
"Tôi có nhiều câu hỏi và điều đó khiến tôi hoài nghi", Hãng tin AFP dẫn lời ông Macron và nhà lãnh đạo Pháp đặt câu hỏi rằng chẳng lẽ không có công dân châu Âu nào đủ khả năng đảm nhận công việc này.
Bà Scott Morton từng làm cố vấn cho các ông lớn công nghệ như Apple, Microsoft và Amazon.
Các nghệ sĩ trong bể bơi
Tổng thống Ukraine nói thỏa thuận ngũ cốc không cần Nga; Lực lượng Nga - Ukraine giao tranh ác liệt ở mặt trận đông bắc; Lãnh đạo Đảng Tiến bước Thái Lan không lùi bước trước ghế thủ tướng... là các tin tức thế giới đáng chú ý ngày 18-7.