Hàng trăm clip bẻ khớp cổ trị đau vai gáy
Chỉ cần gõ từ khóa “đau vai gáy” trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok… sẽ xuất hiện hàng trăm clip hướng dẫn bẻ khớp cổ trị đau vai gáy dành cho những người “cổ rùa”, hay đau mỏi vùng cổ vai gáy.
Nhiều trang cá nhân hướng dẫn bẻ khớp cổ vai gáy có các tên gọi như “Viện cơ xương khớp”, “Phòng khám xương khớp”, “Trị liệu cổ vai gáy”… Phần lớn các video này có hình ảnh người bẻ cổ vai gáy đều kèm theo những tiếng kêu rắc rắc.
Một đoạn clip kéo dài hơn 1 phút của TikToker “A.C. xương khớp” hướng dẫn bẻ khớp cổ vai gáy thu hút được hàng ngàn lượt thích, hàng trăm chia sẻ. Người tạo clip này gọi đây là phương pháp atchiropractic.
Theo quan sát, để trị liệu được chứng đau vai gáy, một “bác sĩ” sẽ dùng tay quay đầu bệnh nhân về một phía, sau đó ấn mạnh vào các huyệt. Việc day ấn này khiến cho các tiếng kêu rắc rắc vang lên.
Sau khi clip này được đăng tải đã nhận được rất nhiều bình luận của người xem, nhiều ngưởi tỏ ra thích thú và mong muốn sẽ được thực hiện theo để giảm chứng đau vai gáy của mình.
Bẻ cổ vai gáy sai cách, yếu liệt như chơi
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y dược TP.HCM - cho hay đau vai gáy là triệu chứng của nhóm các bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.
Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhẹ, đau mỏi vùng vai gáy và có thể kèm hạn chế vận động vùng cổ gáy, vùng đầu như không quay đầu thoải mái được, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay lại phía sau được.
Đau khu trú tại vùng vai gáy hoặc lan xuống cánh tay, lan lên đầu làm nhức đầu. Đau vai gáy khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc, sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo bác sĩ Vũ, "trào lưu" bẻ khớp cổ trị đau vai gáy khi thực hiện tại những cơ sở không có chuyên môn, người không có tay nghề có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: làm gia tăng thoái hóa khớp, trật khớp, gãy xương, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi bị loãng xương sẽ gia tăng bệnh cảnh.
Khi thực hiện ở những cơ sở không có chuyên môn, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái nhất thời, tuy nhiên để lại hậu quả rất khôn lường.
Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết - trưởng khoa vật lý trị liệu, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - cũng cho biết tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi thực hiện bẻ xương khớp ở những cơ sở không có chuyên môn, nhiều trường hợp đã bị yếu, liệt, không đi được.
Do vậy, tuyệt đối không nên bẻ khớp cổ ở những cơ sở không có chuyên môn. Trường hợp bẻ cổ vai gáy phải là các bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề, ngược lại không có tay nghề rất dễ gây ra biến chứng.
Bác sĩ Tuyết nói thêm, cột sống cổ bên trong có rất nhiều tủy sống, dây thần kinh chi phối vận động đến toàn thân, do vậy nếu bẻ không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh gây yếu, liệt.
Người đau vai gáy chú ý bổ sung khoáng chất và vitamin
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, đau vùng cổ vai gáy là triệu chứng của nhiều bệnh cảnh khác nhau, nhiều nguyên nhân khác nhau có thể đưa đến đau vai gáy.
Cần phải có thăm khám của bác sĩ chuyên khoa để xác định đúng bệnh lý, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Ngoài việc tuân thủ theo lời chỉ dẫn của các bác sĩ trong quá trình vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, người bệnh khi bị đau vai gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất và vitamin.
Đồng thời cần luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp có chỉ định, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng cũng là những cách giúp bệnh nhân sớm hồi phục đau vai gáy.
Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị kỹ thuật số rất hại cho sức khỏe người dùng...