Dự án Đường vành đai phía Tây một trong những công trình trọng điểm của Đà Nẵng đang chậm tiến độ.
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Đà Nẵng khóa X, khi đề cập đến chỉ tiêu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho rằng, lĩnh vực công nghiệp xây dựng giảm 2,6% nhưng riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 1,47%. Điều này chứng tỏ công tác liên quan đến việc xây dựng công trình dự án động lực trọng điểm đạt mục tiêu rất thấp, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 của TP. Đà Nẵng đạt tỷ lệ 19,3% (theo kế hoạch 30%).
“Theo Nghị quyết số 29, TP. Đà Nẵng có 80 dự án trọng lực động lực trọng điểm gồm 54 dự án từ ngân sách, 26 dự án của nhà đầu tư nhưng đến nay mới có 17 dự án cơ bản hoàn thành (trong đó có 12 dự án của nhà đầu tư) đạt tỷ lệ 17,5%. Qua giám sát, hầu hết công trình đang thi công, đang chuẩn bị thi công nhưng đang chậm tiến độ so với kê hoạch đề ra”, đại biểu này nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hùng, có 4 nguyên nhân khiến các các công trình, dự án chậm trễ tiến độ.
Đầu tiên là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Kết quả giải phóng mặt bằng giảm, tỷ lệ hồ sơ bàn giao mặt bằng qua các năm của Thành phố giảm dần khi năm 2021 là 38,4 %, 2022 là 14%, 6 tháng đầu năm 2023 chỉ còn 4%.
Tiếp đến là việc triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan dẫn đến công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài. “Công tác phối kết hợp giữa các sở ngành và địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả, có tình trạng né tránh trách nhiệm của một số bộ phận công chức, dẫn đến chậm trễ”, đại biểu Hùng chỉ ra.
Nguyên nhân thứ ba là năng lực đơn vị tư vấn thiết kế không đảm bảo dẫn đến việc điều chỉnh thiết kế và dự toán trong quá trình thi công diễn ra khá nhiều
Cuối cùng là việc giao nhiệm vụ dự án hiện nay không đồng điều giữa các Ban Quản lý, khi có đơn vị quá tải về công việc trong khi có ban rất ít công việc, dẫn đến không phát huy hiệu quả giữa các Ban Quản lý dự án.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng khẳng định công trình, dự án trọng lực trọng điểm là một trong những giải pháp quan trọng để Thành phố khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Song, hiện nay 54 dự án, công trình từ ngân sách cơ bản chậm tiến độ.
Các dự án có tốc độ, tiến độ ì ạch dù lãnh đạo Thành phố kiến nghị nhiều lần được Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng điểm danh như Dự án Tuyến đường Trục I Tây Bắc, Dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601, Dự án Đường vành đai phía Tây (nối Quốc lộ 14B thông qua đường Hồ Chí Minh), Tuyến đường vành đai phía Tây 2.
“Những vấn đề liên quan đến quy hoạch, tiến độ dự án có ảnh hưởng đến quyền lợi người dân thì đề nghị UBND, Ban Quản lý dự án hết sức lưu ý, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Khi nào làm, có làm hay không phải có ý kiến cụ thể, trao đổi, thông báo đến người dân qua nhiều kênh khác nhau. TP. Đà Nẵng có đầy đủ thiết chế để thông tin minh bạch đến với người dân”, ông Triết yêu cầu.
Về giải pháp, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, công trình động lực, trọng điểm cần phải có cách làm đặc biệt, đặc thù hơn; mang tính động lực, trọng điểm hơn để khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển.
Thông tin về việc có triển khai tiếp tục Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây 2 hay không, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, dự án mới thực hiện được 4 km (tổng chiều dài 14,3 km) từ điểm giao Quốc lộ 14B đến đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh thì tạm dừng.
“Đối với phần còn lại, chủ trương TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND Thành phố báo cáo HĐND bố trí vốn”, bà Tâm cho biết.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã giao Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên rà soát toàn bộ dự án, phân tích các yếu tố liên quan để xây dựng đề xuất các phương án xử lý phù hợp thực tế, khái toán quy mô và tác động để báo cáo UBND Thành phố quyết định.
Về nguyên nhân tạm dừng dự án, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dự án có sử dụng vốn vay từ Quỹ phát triển quốc tế (OPEC) nhưng đã kết thúc hiệp định vay vốn vào ngày 31/12/2022; dự án vướng quy hoạch liên quan đến ga đường sắt nên dẫn đến quy hoạch điều chỉnh chưa được duyệt.
Ngoài ra, khối lượng kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án tăng thêm (tăng từ 87 lên 1.800 tỷ đồng) so với tổng mức đầu tư ban đầu (1.427 tỷ đồng) nên dự án không đủ nguồn vốn đối ứng cho công tác này.