Ngày 20-7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã tổ chức Hội nghị chuẩn tin học quốc tế ICDL trong công tác chuyển đổi số.
Chuẩn bị năng lực số cho học sinh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - nhấn mạnh TP.HCM đang tập trung xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo với nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông số.
Đó là một trong những lý do đầu tiên tạo nền tảng cho đào tạo nhân lực để TP xây dựng đô thị thông minh.
TP.HCM với yêu cầu phát triển cũng đang thực hiện đề án 762 về nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó là những yêu cầu của trung ương, TP về việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm giáo dục của cả nước và khu vực.
Vì thế, thời gian qua TP.HCM đã triển khai chuẩn tin học quốc tế trong tất cả các trường học phổ thông nhằm tạo nền tảng cho nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyển đổi số thích ứng và làm chủ việc xây dựng TP thông minh.
"Nhưng đây là vấn đề mới và khó. Chúng ta phải tạo điều kiện cho học sinh TP, người dân TP có cơ hội tiếp cận sớm và kịp thời nền tảng công nghệ thông tin. Cụ thể là định hướng chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho TP trong tương lai" - ông Hiếu lưu ý.
Cụ thể, theo ông Hiếu, TP.HCM muốn hướng đến chuẩn tin học quốc tế ICDL. Vì đây là chuẩn được hàng trăm nước trên thế giới công nhận.
"Ở các nước tiên tiến họ đã đào tạo và công nhận chuẩn ICDL như thế nào? Làm sao để từng trường của chúng ta có đầy đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiểu về chuyển đổi số, tạo không gian, điều kiện để học sinh có thể đạt được các chứng chỉ quốc tế. Vì nền tảng của chuyển đổi số là phải dựa trên công nghệ thông tin nên trong giai đoạn này chúng ta đang thực hiện nhiều đề tài, đề án về đào tạo công dân số, đào tạo dân số, quản lý giáo dục bằng mô hình số" - ông Hiếu nói thêm.
Trình độ tin học sẽ giúp ích cho công việc
Trình bày tại hội nghị, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho rằng năng lực số là hành trang không thể thiếu cho một công dân toàn cầu.
Việc trang bị kỹ năng số rất cần thiết cho học sinh và tạo ra nhiều lợi thế cho các em. Đó là việc mở rộng cơ hội học tập. Nhờ năng lực số, học sinh có thể tham gia vào những trải nghiệm học tập cá nhân hóa, tiếp cận các nguồn học liệu, tham gia các mô hình ảo và khám phá nội dung tương tác trên nền tảng số.
Các em cũng sẽ tăng khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Mặt khác, kỹ năng số cũng là một yêu cầu cấp thiết trên thị trường lao động trong thời đại ngày nay. Bằng cách phát triển năng lực số, học sinh các cấp được chuẩn bị tốt hơn sau khi ra trường.
Theo ông Minh, việc đào tạo tin học cho học sinh theo chuẩn quốc tế thể hiện rõ theo Chương trình phổ thông 2018.
"Giáo viên TP.HCM phải định hướng rõ, bắt đầu cho việc triển khai chuẩn tin học quốc tế. Tại sao việc đào tạo tin học của chúng ta phải đáp ứng chuẩn quốc tế? Vì chúng ta phải chuẩn bị năng lực số để học sinh có hành trang đầy đủ để trở thành công dân toàn cầu" - ông Minh nói.
Đồng tình với những việc mà TP.HCM đang làm để chuẩn bị cho nguồn nhân lực xây dựng TP thông minh, ông Damien O'Sullivan - tổng giám đốc Tổ chức ICDL toàn cầu - cho rằng chuyển đổi số không phải chỉ là câu chuyện về công nghệ hay mạng, mà phải là quá trình cá nhân hóa.
Ngày nay, sau đại dịch COVID-19, các chính phủ, cơ quan đã đưa ra những quyết định khó khăn trong việc làm của người dân và học hành của học sinh.
"Trong bối cảnh đó, chúng ta có những mối lo ngại nhất định về nguồn lao động như làm sao để nhanh chóng đào tạo lại kỹ năng, làm sao để học sinh sẵn sàng công việc khi các em ra trường? Do đó, chúng ta cần chuẩn bị cho học sinh về công nghệ. Tại Việt Nam, 89% người được khảo sát chia sẻ rằng họ có những sự lạc quan về vai trò của công nghệ trong tương lai.
Tại Ireland, học sinh được học kỹ năng số trong công việc tương lai, tương ứng với kiến thức, kỹ năng trong lộ trình tiếp theo của bản thân.
Năm ngoái, Ireland đã triển khai việc học kỹ năng số từ tiểu học lên THCS nhằm giúp học sinh có kỹ năng cơ bản, sử dụng công nghệ số, công nghệ trực tuyến.
Tôi tin rằng với quyết tâm của lãnh đạo TP.HCM, TP.HCM có thể đạt được thành công lớn trong quyết tâm triển khai tin học đến học sinh. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với ngành giáo dục TP để tiến tới mục tiêu học sinh sẽ tinh nhuệ trong xây dựng TP thông minh và toàn cầu hóa" - ông Damien O'Sullivan nhấn mạnh.
Hơn 100 trường triển khai chuẩn tin học quốc tế
Tại hội nghị, bà Nguyễn Phương Lan - phó chủ tịch HĐQT, giám đốc EMG Education, một trong các đơn vị triển khai chuẩn tin học quốc tế - cho biết sau gần hai năm thực hiện, chuẩn tin học quốc tế ICDL đã được triển khai tại 75 trường tiểu học, THCS và THPT.
Dự kiến trong năm học 2023-2024 sẽ có thêm 34 trường triển khai. Kết quả sau năm đầu tiên tổ chức, nhiều trường đã mạnh dạn đăng ký cho học sinh tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ ICDL với kết quả rất khả quan.
Theo bà Lan, chuẩn tin học quốc tế không tách rời hay có sự chồng chéo với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà thông qua đó học sinh có cơ hội tiệm cận với chuẩn quốc tế, rút ngắn khoảng cách giữa kỹ năng công nghệ thông tin với yêu cầu học tập hằng ngày.
Lợi thế của chứng chỉ ICDL
ICDL là viết tắt của cụm từ tiếng Anh:“International Computer Driving License” (Kỹ năng sử dụng máy tính đạt chuẩn quốc tế)
Tại hội nghị, lãnh đạo ICDL cho biết lợi thế của chứng chỉ quốc tế này là học sinh sẽ đạt chuẩn quốc tế dựa trên tiêu chuẩn được cập nhật, hiện đại nhất trong năng lực công nghệ số. ICDL là chứng chỉ tin học quốc tế vừa mang toàn cầu, đáp ứng tính địa phương.
TTO - Theo Bộ GD-ĐT, bốn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Tin học quốc tế đều đoạt giải, gồm hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc, một huy chương Đồng.