VKSND Hà Nội xác định để được duyệt 109 chuyến bay, Blue Sky đã hối lộ 6 cựu quan chức Bộ Ngoại giao và 2 cựu cán bộ của Văn phòng chính phủ, 4 cựu quan chức Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và địa phương.
Tính trung bình mỗi chuyến bay Blue Sky hối lộ 353 triệu đồng (với lượng khách bình quân 251 người một chuyến, mỗi khách "gánh" thêm 1,4 triệu đồng cho giá vé). Trong đó, theo cáo buộc, hai người nhận nhiều nhất, trung bình 55 triệu đồng/chuyến là bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nhận với mức 54 triệu đồng/chuyến.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu phó chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân nhận từ Blue Sky như nhau, trung bình 45,8 triệu đồng...
>>Mức án đề nghị với 54 bị cáo
Theo bào chữa của luật sư ngày 18 và sáng 19/7, nhiều quan chức "bị" nhận hối lộ do doanh nghiệp "chủ động áp sát, nài ép". Có người dù thẳng thừng từ chối vẫn "liên tục bị gọi điện đòi gặp" như trường hợp của cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam. Luật sư cho rằng ông Nam có lỗi do "không cưỡng được cám dỗ", song doanh nghiệp có lỗi rất lớn do nài ép.
Luật sư của cựu cục trưởng Lãnh sự cũng nói cho doanh nghiệp "chủ động đưa tiền". Vì thế, đây là một trong ba nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi phạm tội của bà Lan, bên cạnh thủ tục cấp phép chưa có tiền lệ và nhu cầu về nước của công dân quá lớn, áp lực công việc quá cao.
Trong vụ án này, nữ cựu cục trưởng bị VKS xác định nhận hối lộ nhiều thứ ba vụ án với 25 tỷ đồng.
Nhưng các luật sư của nhóm 23 người bị cáo buộc đưa hối lộ lại có quan điểm trái ngược.
Chiều 19/7, luật sư Phạm Quang Biên, bào chữa cho bị cáo Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội, phân tích nguyên nhân chính dẫn đến đưa hối lộ do khi đăng ký hồ sơ chuyến bay đều không được cơ quan có thẩm quyền phản hồi, chấp thuận. Các chủ doanh nghiệp như bà Mai vì thế phải liên hệ để tìm hiểu lý do và hoàn thiện hồ sơ.
"Trong những lần này, Mai nhiều lần bị đặt vấn đề tiền bạc", luật sư nói.
Theo luật sư Biên, quy trình phức tạp, nhiều thủ tục, chồng chéo khi xét duyệt các chuyến bay giải cứu cũng tạo điều kiện hình thành cơ chế xin - cho. Vì thế, một số bị cáo nhận hối lộ đã "ký sinh trên chủ trương nhân đạo của Nhà nước".
Luật sư Giang Hồng Thanh, bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Blue Sky) gọi việc đưa - nhận hối lộ này "là một thị trường mua bán, đổi chác". Lời khai của nhiều chủ doanh nghiệp đã đưa ra bức tranh chung: Một số cán bộ gây khó khăn, ép buộc doanh nghiệp đưa tiền mới tạo điều kiện. Nếu không đưa, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thiệt hại rất lớn do không được cấp phép chuyến bay.
"Vậy doanh nghiệp có sự lựa chọn nào khác không? Không, chỉ là đưa tiền hoặc đừng tổ chức chuyến bay nữa", luật sư nêu và đưa giả thiết nếu tất cả doanh nghiệp không đưa tiền, chưa chắc 93.000 người của các chuyến bay combo đã được về nước.
Luật sư Thanh nói hành vi đưa hối lộ của ông Sơn xuất phát từ những khó khăn mà không phải do doanh nghiệp tự gây ra. "Xét cho cùng, ở một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của cơ chế xin - cho trong vụ án này".
Doanh nghiệp lãi bao nhiêu từ các 'chuyến bay giải cứu'?
Tự bào chữa trước tòa chiều 19/7, bị cáo Sơn phản bác "doanh nghiệp câu kết quan chức, lợi dụng dịch bệnh để tranh thủ trục lợi" như cáo buộc.
Bị cáo 48 tuổi khai để tổ chức được một chuyến bay "rất vất vả". Blue Sky phải bàn bạc để xây dựng mức giá phù hợp, tìm nơi lưu trú an toàn nhất. Khi đưa công dân về nước phải phục vụ ăn ngày 3 bữa, cộng thêm hàng loạt khoản khác nên mỗi chuyến bay Blue Sky phải mất "rất nhiều chi phí".
Ông Sơn liệt kê chi phí bị đội lên do giá vé cao, cộng thêm tiền đưa hối lộ và nhiều chi phí khác do ảnh hưởng của dịch bệnh (phí tàu bay một chiều, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm ở nước ngoài và tại Việt Nam, chi phí ăn ở, đưa đón, lưu trú). "Doanh nghiệp hầu như không được lợi nhuận", Tổng giám đốc Blue Sky trình bày.
"Có những thời điểm phải cách ly 14 hoặc 21 ngày, có thời điểm quy định cách ly tại khách sạn 4-5 sao, resort sang trọng nên giá vé tới hàng chục triệu đồng. Do đó, quan điểm doanh nghiệp và quan chức câu kết đẩy giá vé là không đúng", luật sư của Sơn phân tích thêm.
Nói nhớ lại chuyến bay giải cứu (miễn phí) đầu tiên Blue Sky tổ chức đưa công dân từ Mỹ hồi hương, ông Sơn khai đã chứng kiến "không biết bao nhiêu nụ cười, giọt nước mắt đoàn tụ" của những người được về với gia đình giữa đại dịch.
Tổng giám đốc Blue Sky cho rằng "không thể chối cãi" khi nhiều người nghĩ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Song điều này ở thời điểm giữa đại dịch là không đúng, bởi "bị cáo cũng có tình người, cũng cảm nhận được nỗi đau của đồng bào".
Luật sư của ông Sơn liệt kê, trong 10 tháng 4/2020-1/2022, Chính phủ đã duyệt 372 chuyến bay, trong đó Blue Sky có 109 chuyến, tức gần 1/3. "Nếu nói một cách hình tượng cứ 3 công dân Việt Nam về nước thì một người do Blue Sky thực hiện". Tổng hành khách đã về nước trên 109 chuyến này là 27.368 người. Qua những con số này, luật sư mong HĐXX thân chủ được khoan hồng nhiều hơn nữa.
Ngoài tư cách bị cáo, trong vụ án này, bị cáo Sơn cùng cấp phó Nguyễn Thị Thanh Hằng "chạy án" thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn. Cựu trưởng phòng của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, Hoàng Văn Hưng bị xác định lừa đảo, chiếm đoạt của ông Sơn và bà Hằng 800.000 USD (18,85 tỷ đồng) với hứa hẹn "giúp đỡ" họ không bị xử lý hình sự.
Vụ án "chuyến bay giải cứu" với 54 bị cáo bị truy tố ở 4 nhóm tội: 21 bị tội Nhận hối lộ; 23 người về tội Đưa hối lộ; 4 người về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 người về tội Môi giới hối lộ; 2 người tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luận tội của VKS, tổng tiền đưa nhận hối lộ là 165 tỷ đồng, thủ đoạn "cực kỳ tinh vi". Đây là khoản 24 đại diện các doanh nghiệp "buộc phải đưa" chứ không phải tiền cảm ơn đơn thuần. Nhiều bị cáo đã nhũng nhiễu, gây khó khăn để tạo cơ chế "xin - cho", buộc các doanh nghiệp phải nâng giá vé và chi phí phát sinh khác, lấy tiền từ đây đưa hối lộ.
"Số tiền nhận hối lộ của nhiều bị cáo bằng cả gia tài của người khác", VKS nêu.
Sau 4 ngày xét hỏi, sáng 17/7, VKS đưa ra mức án đề nghị, trong đó, có một án tử hình, 52 án tù có thời hạn, một án treo. Phiên tòa dự kiến kéo dài một tháng.
Hôm nay, ngày thứ 10, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.
Phạm Dự - Thanh Lam
Xem thêm: lmth.0241364-uuc-iaig-yab-neyuhc-ut-nauhn-iol-gnohk-uhn-uah-peihgn-hnaod-oac-ib/ten.sserpxenv