Những câu chuyện được kể trong trưng bày chuyên đề Mầm xanh trên đá vừa khai mạc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày 20-7, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023).
Trưng bày mang đến nhiều câu chuyện xúc động về lòng yêu nước, sự anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sáng mãi ngọn lửa thành đồng
Trưng bày gồm 3 phần: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng, Ký ức không phai.
Phần một, Tuổi xanh nơi ngục lửa là những câu chuyện về phong trào học sinh sinh viên Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt.
Phần hai, Ngọn lửa Thành đồng là những câu chuyện về phong trào học sinh, sinh viên miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, đấu tranh ngay trong lòng địch.
Phần ba, Ký ức không phai là những hình ảnh về hoạt động gặp gỡ, tri ân của hôm nay với những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Trong đó, câu chuyện về liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thái Bình - một cựu học sinh Trường Pétrus Ký mang tới nhiều xúc động cho người xem.
Con là anh hùng, mẹ là bà tiên
Anh Nguyễn Thái Bình sinh năm 1948 tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, từng theo học tại Trường Pétrus Ký, Cao đẳng Nông-Lâm-Súc trước khi du học tại Mỹ năm 1968.
Trong 4 năm du học, anh là một trong những du học sinh Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ trong phong trào phản chiến ở Mỹ.
Tại lễ nhận bằng tốt nghiệp hạng danh dự ở Viện đại học Washington tháng 5-1972, anh đã đứng lên tố cáo tội ác chiến tranh Việt Nam bằng những lời lẽ đanh thép:
"Hàng trăm vụ ném bom bằng B-52, hàng ngàn tấn bom napan, bom lân tinh, chất khai quang… tất cả đều đổ lên đầu trẻ thơ vô tội và những người già, tàn phá nhà thờ, trường học, chùa chiền, bệnh viện tại Việt Nam… Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy lên tiếng vì hòa bình, đứng về phía công lý và giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam…".
Sau những hành động kêu gọi phản chiến mạnh mẽ, anh bị trục xuất và sát hại trên chuyến bay trở về Sài Gòn ngày 2-7-1972.
Dường như biết trước kết cục của mình khi kêu gọi phản chiến, trong khi máy bay hạ cánh tiếp dầu ở đảo Guam, anh viết vội dòng thư cho gia đình, gửi lại những tâm tư, tình cảm yêu thương cùng hy vọng mãnh liệt về tương lai tươi sáng của dân tộc:
"Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cuộc sinh ly hay tử biệt này... Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu… Con có hy sinh thì cái chết này không phải là sự chấm dứt mà là sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai".
Tại buổi khai mạc trưng bày, bà Đạm Thư - người từng tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Hà Nội thời kháng Pháp - cho biết bà rất xúc động khi được đọc lại câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình bởi từng có duyên gặp mẹ của liệt sĩ này và rất ấn tượng về người mẹ liệt sĩ được gọi là bà tiên.
Cuối năm 1975, khi đang làm việc ở báo Phụ Nữ, bà cùng với một số đồng nghiệp đã có chuyến công tác dài ngày ở miền Nam. Tới TP.HCM, nhóm của bà đã đến thăm mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thái Bình.
Bà tên Nguyễn Thị Anh, nhưng các em nhỏ ở trường mẫu giáo nơi bà làm việc không gọi bà bằng tên thật mà gọi là bà tiên. Bởi bà rất hiền, được mọi người yêu quý và bà nấu ăn rất khéo.
Thời kỳ đất nước vừa qua chiến tranh vô cùng khó khăn, thực phẩm khan hiếm, nhưng bà nấu ăn rất khéo, chế biến được rất nhiều món ngon từ những nguyên liệu rất nghèo nàn thời bấy giờ để mang tới những bữa ăn hạnh phúc hơn cho các bé.
TTO - Bắt đầu những ngày hè của năm tiểu học cuối cùng là bọn học sinh lớp nhất năm 1965 (nay là lớp 5) bỗng trở nên căng thẳng. Những mùa hè về trước, bắt đầu một mùa hè thì 'ta chỉ có một mùa hè thôi' để chơi đùa.