Đó là chia sẻ của ông Kaneko Ryutaro - phó trưởng phòng hợp tác quốc tế (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) - tại hội thảo về chương trình thực tập kỹ năng cho doanh nghiệp phái cử do các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức ngày 20-7.
Chương trình thực tập sinh mới sẽ ra sao?
Ông Kaneko Ryutaro cho biết phía Nhật Bản đang nghiên cứu sửa đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng ở cấp hội đồng chuyên gia.
"Tháng 5-2023, hội đồng chuyên gia đã có báo cáo giữa kỳ và kết quả thảo luận, nghiên cứu. Dự kiến mùa thu năm nay, hội đồng sẽ đưa ra báo cáo cuối kỳ và lộ trình thực hiện", ông Kaneko Ryutaro nói.
Trước khi trình Quốc hội Nhật Bản thẩm tra, thông qua, các bộ ngành sẽ cho ý kiến và có dự thảo chính thức.
Hiện tại, Hội đồng chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu xây dựng Chương trình thực tập sinh mới và chương trình kỹ năng đặc định dễ hiểu và có cơ chế giúp lao động nước ngoài dễ dàng có việc làm và nâng cao nghề nghiệp.
Báo cáo giữa kỳ cũng xem xét nới lỏng các hạn chế về thay đổi đơn vị tiếp nhận so với nguyên tắc thực tập sinh kỹ năng chỉ được thực tập tại một doanh nghiệp, siết quản lý các nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh theo hướng họ phải độc lập, tách ra khỏi doanh nghiệp tiếp nhận.
Các cơ chế tiếp nhận lao động tránh cơ chế trung gian, phát sinh chi phí môi giới hay kỳ thi/khóa học nâng cao ngoại ngữ ứng viên cũng được xem xét.
Thực tập sinh mang thai tại Nhật không phải về nước
Đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nêu rõ luật pháp nước này nghiêm cấm sa thải công nhân, thực tập sinh mang thai. Công ty phái cử và nghiệp đoàn không được cưỡng ép thực tập sinh về nước.
Dẫn lại khảo sát xã hội học mới đây, ông cho biết có tới 1/4 thực tập sinh trả lời rằng công ty yêu cầu họ nghỉ việc khi phát hiện mang thai. Thậm chí, một số doanh nghiệp yêu cầu ký hợp đồng cam kết về nước nếu mang thai.
Theo kết quả khảo sát trên, có 70% doanh nghiệp phái cử thực hiện cơ chế này. Qua trao đổi, cơ quan chức năng Nhật Bản ghi nhận có thực tập sinh cho biết được giải thích rằng đây là quy định pháp luật Nhật Bản.
"Nếu doanh nghiệp phái cử Việt Nam được phía đối tác Nhật Bản giải thích quy định như vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải báo cáo ngay cho Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ thông tin lại Chính phủ Nhật Bản để có chế tài xử lý với các doanh nghiệp tiếp nhận cũng như nghiệp đoàn quản lý.
Chúng tôi cũng tiếp nhận bằng chứng như thư tín, email để xử lý", ông Kaneko Ryutaro nêu rõ.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ Online, ông Ishii Chikahisa - bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản - nhấn mạnh dân số nước này đang trên đà suy giảm nên tình trạng thiếu hụt nhân lực xảy ra tại tất cả ngành nghề.
Do vậy, Nhật Bản tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các chương trình, thỏa thuận đưa lao động Việt sang Nhật làm việc, thực tập. Hiện đang có nhu cầu rất lớn ở các ngành như xây dựng, nông nghiệp, điện tử, điều dưỡng, đóng tàu...
Còn ông Kaneko Ryutaro dành thời gian nêu ra các giải pháp giảm tỉ lệ phá vỡ hợp đồng.
Thứ nhất, doanh nghiệp phái cử cần trao đổi về thời gian, địa điểm làm việc cũng như giải thích mức lương thực tế được nhận sau khi nộp thuế, bảo hiểm xã hội tại Nhật Bản cho thực tập sinh.
Thứ hai, thực tập sinh phải tham gia khóa học tiếng Nhật, tập quán văn hóa, tác phong làm việc...
Thứ ba, Nhật Bản sẽ tước giấy phép của đơn vị phát sinh chi phí trung gian, môi giới.
Sinh viên Trường đại học Văn Lang được cấp visa đi thực tập, hỗ trợ nơi ăn ở và làm việc có lương tại Nhật Bản.