Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng 21-7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão Doksuri). Đây là cơn bão thứ 5 trên Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2023.
"Dự báo quỹ đạo bão Doksuri sau 3 ngày của các nước còn phân tán, khả năng đi vào Biển Đông thấp" - cơ quan Khí tượng Việt Nam nhận định.
Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA), lúc 12h trưa nay, bão Doksuri có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (18m/s), giật cấp 10 (25m/s).
JMA nhận định cơn bão di chuyển khá phức tạp, liên tục đổi hướng trong những ngày tới, chưa có khả năng đi vào Biển Đông.
Dự báo bão Doksuri liên tục tăng cấp trong những ngày tới và có thể mạnh cấp 14 (45m/s), giật cấp 17 (60m/s).
Trên Biển Đông, do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam nên ngày và đêm 21-7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng biển cao 2-4m.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Sóng biển cao 1,5 - 2,5m.
Ngoài ra các khu vực này có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 22-7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 1,5 - 3,5m, biển động.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
'Với dự báo cơn bão số 1 thì sai số dự báo so với thực tế khi đổ bộ là chấp nhận được, và có thể nói dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam tương đối chính xác'.