Ngày 21-7, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp Trung ương Hội làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức diễn đàn "cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam".
Diện tích cây sầu riêng tăng 24,5%/ năm
Theo báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sầu riêng tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, cả nước phát triển được hơn 110.000 ha sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017 (37.00 ha). Trung bình mỗi năm diện tích sầu riêng tăng 24,5% trong giai đoạn này.
Trong số đó, có hơn 54.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 16,5 tấn/ha, sản lượng gần 850.000 tấn. Cây sầu riêng chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (chiếm hơn 47%), đồng bằng Sông Cửu Long (gần 30%), Đông Nam bộ (gần 19%)…
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022. Dự kiến trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt từ 1,2-1,5 triệu USD.
Tuy nhiên, ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn như sầu riêng trồng trên một số loại đất chưa phù hợp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định.
Nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng khi chuyển đổi từ đất trồng lúa; yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, điều kiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao trong khi áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế.
Cơ hội cạnh tranh với Thái Lan từ sầu riêng nghịch vụ
Tại diễn đàn, GS.TS. Trần Văn Hâu, cựu giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ, cho biết giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam còn "rất khiêm tốn" so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan. "Trong khi Thái Lan đã phát triển rất lâu đời giống cây trồng này thì Việt Nam mới bắt đầu cuộc chơi, do đó có thể chấp nhận được", GS.TS. Hâu nói.
GS.TS. Hâu cho rằng Thái Lan có hai vùng trồng sầu riêng chính ở phía đông và phía nam, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12. Riêng tháng 1-2 Thái Lan hầu như không có sầu riêng.
GS.TS. Hâu phân tích: "Hiện sầu riêng chính vụ trong nước kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, vụ nghịch kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Trong khi nước ta có điều kiện trồng sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây, đây là cơ hội rất tốt để cạnh tranh với Thái Lan".
Ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục trồng trọt - nhận định thách thức lớn nhất của ngành sầu riêng Việt Nam không phải về sản lượng, chất lượng hoặc có cạnh tranh được với các nước không mà là xây dựng được chuỗi ngành hàng thực sự bền vững.
Diễn đàn nhằm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, các thành phần trong chuỗi ngành hàng sầu riêng làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Ngày 16-6, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên 360 tấn sang thị trường Trung Quốc.