Tính đến thời điểm này, một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 2. Chưa đầy đủ để có góc nhìn toàn diện, tuy nhiên ở một số đơn vị có thông tin, "lãi to" không còn là xu hướng chủ đạo.
Thu nhập lãi thuần LPBank giảm, có biến động về nhân sự
Báo cáo tài chính quý 2-2023 của LPBank cho thấy thu nhập lãi thuần trong kỳ đạt 2.450 tỉ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mảng khác như thu từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cũng giảm.
Mảng mua bán chứng khoán đầu tư cùng kỳ năm ngoái còn lãi hơn 356 tỉ đồng thì quý 2 năm nay lại ngậm ngùi lỗ 4,5 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của LPBank quý 2 đạt 880,4 tỉ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 2.446 tỉ đồng, giảm 31%. So với kế hoạch đặt ra lãi trước thuế 6.000 tỉ đồng, nhà băng này mới chỉ đạt hơn 40%.
Đáng chú ý, số lượng cán bộ nhân viên của ngân hàng này giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 6-2023, ngân hàng còn 10.818 nhân viên, giảm 1.385 người so với hồi đầu năm.
Khi tín dụng chỉ tăng 7% thì nợ xấu của ngân hàng này lại tăng đến 65% so với hồi đầu năm. Điều này dẫn đến tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,45% hồi đầu năm lên 2,23% cuối quý 2 này.
Theo lãnh đạo LPBank, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngân hàng.
Thêm vào đó, việc triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay và giảm phí, lệ phí trong bối cảnh lãi suất đầu vào huy động tăng cao đã ảnh hưởng một phần đến biên lãi ròng (NIM) của LPBank. Do vậy, thu nhập lãi của ngân hàng giảm.
6 tháng, một ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro cao gấp gần 4 lần
Một ngân hàng khác là ABBank ghi nhận sụt giảm mạnh hơn khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 2 chỉ 53 tỉ đồng, tức giảm 94% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng này đạt 541 tỉ đồng, giảm 59%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ việc trích lập dự phòng theo thông tư 11.
Trong quý 2, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ABBank là 697 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 173 tỉ đồng. Gộp 6 tháng, chi phí dự phòng 814 tỉ đồng, tăng gần gấp 4 năm trước.
Tuy nhiên theo lãnh đạo ABBank, việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý 2 của một ngân hàng khác là TPBank đạt 1.293 tỉ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của nhà băng này vẫn đến từ thu nhập lãi thuần với 2.279 tỉ đồng, song giảm 10% so với cùng kỳ. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ với 804 tỉ đồng, tăng 18%.
Hoạt động trái phiếu TPBank đã bắt đầu có lãi từ quý 2-2023 đạt gần 238 tỉ đồng, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm.
Theo lãnh đạo TPBank, nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023.
Tích cực hơn, PGBank lại có tăng trưởng tốt hơn. Thu nhập lãi thuần trong kỳ của ngân hàng này đạt 341 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều giảm. Trong khi các khoản lỗ/lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư không phát sinh trong kỳ.
Dù vậy hết quý, PGBank có lợi nhuận trước thuế 150 tỉ đồng, tăng 27%. 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của nhà băng này đạt 680 tỉ đồng, tăng 25%. Lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỉ đồng, tăng 24%.
Lãnh đạo PGB lý giải, lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu nguyên nhân do thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
"Soi" chất lượng nợ vay, tại thời điểm 30-6-2023, nợ xấu của PGBank hơn 839 tỉ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỉ đồng, tăng hơn 467.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái.