Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết chương trình hợp tác có năm lĩnh vực, kế hoạch hợp tác này cụ thể hóa chương trình hợp tác đã ký kết trước đó.
“Xin ý kiến lãnh đạo các địa phương chúng ta thống nhất kiên trì phối hợp trên bình diện TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cấp độ này là cấp độ chính bao trùm và dựa trên nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về Đồng bằng sông Cửu Long và nghị quyết 59 về Cần Thơ, vì Cần Thơ là trung tâm của vùng. Đây là cơ sở chính trị, định hướng quan trọng để thiết kế chương trình phối hợp và kiên trì theo nội dung này" - ông Mãi nói.
Ông Mãi cho biết TP.HCM đã thành lập tổ điều phối để thực hiện các lĩnh vực hợp tác. Ngoài ra, TP.HCM có hợp tác song phương với từng tỉnh, thành. Tuy nhiên, ông Mãi lưu ý “đừng biến cái này trở thành cái chính và sau đó cấp độ vùng sẽ lu mờ đi”.
Góp ý cho kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị trong chương trình hợp tác có các lĩnh vực trọng yếu về hạ tầng, chuyển đổi số, y tế…, do đó nên hình thành tổ chuyên trách. Bởi không phải tỉnh nào cũng trải đều ra hợp tác hết trong các lĩnh vực mà dựa vào thế mạnh của địa phương.
Trong định hướng sắp tới, những loại hình thâm dụng lao động nhiều như ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nên khép dần lại để chuyển dịch lao động về cho Đồng bằng sông Cửu Long. Khi giao thông của vùng đã phát triển, TP.HCM có thể hình thành khu điều phối về khu công nghiệp, còn khu công nghiệp, doanh nghiệp có thể đặt tại An Giang cũng như các tỉnh.
“Trụ sở của doanh nghiệp vẫn đặt ở TP.HCM nhưng nhà xưởng họ đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long, như vậy cán bộ, công nhân không phải di chuyển như trước mà họ làm việc tại quê hương, như vậy sẽ giảm áp lực xã hội cho TP.HCM”, ông Thư đề xuất.
Ông Thư cũng cho biết đã trao đổi với Đồng Tháp, Long An và sẽ trao đổi với TP.HCM về hình thành hành lang kinh tế biên giới nối từ huyện Củ Chi qua Long An, Đồng Tháp, An Giang và kéo đến Kiên Giang, ra Phú Quốc.
Hành lang kinh tế này kết hợp với các tuyến đường ở tuyến biên giới không những đảm bảo an ninh chính trị cho khu vực biên giới mà còn là trục động lực phát triển vùng biên giới.
Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lao động dồi dào nhưng là lao động phổ thông và đã dịch chuyển đi TP.HCM, Đông Nam Bộ.