Là người đầu tiên nói lời sau cùng, ngay khi bắt đầu trình bày, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng phân trần: "Đối với tôi, phải đứng trước bục xét xử và nói lên những điều này là vô cùng đau đớn, tủi hổ". Phần trình bày của ông Dũng đôi lúc bị ngắt quãng vì cựu thứ trưởng khóc nức nở.
Bị cáo Tô Anh Dũng mong nhận được sự khoan hồng
Ông Dũng trình bày về việc sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ mất sớm.
"Bị cáo lớn lên tự thân lập nghiệp, luôn ghi nhớ lời căn dặn của bố mẹ làm sao sống tốt với cách mạng, sống tốt với xã hội. Trong suốt 30 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi luôn tâm niệm điều đó, luôn cố gắng để sống tốt với mọi người.
Bằng sự tín nhiệm, bị cáo được giữ cương vị trọng trách của Bộ Ngoại giao và tôi không bao giờ có bất cứ ý nghĩ gì về việc chạy chọt, không bao giờ có một ý tưởng tơ hào về tiền của Nhà nước", ông Dũng trình bày.
Cựu thứ trưởng nhắc lại những "nỗ lực, cố gắng của bị cáo" trong công tác chống dịch, bảo hộ công dân về nước nhưng vào giai đoạn cuối triển khai chuyến bay combo "thì có sai lầm nghiêm trọng".
Ông Dũng khẳng định quá trình xét xử đã vô cùng ăn năn và giải thích thêm khi nhận tiền của các doanh nghiệp "không có động cơ, mục đích để gây khó dễ cho các doanh nghiệp hoặc để thu lợi".
Ông Dũng cho biết đã tự nguyện, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, trao đổi với gia đình để khắc phục hết hậu quả.
"Một năm vừa qua bị cáo rất ăn năn, trăn trở. Một lần nữa bị cáo xin lỗi nhân dân vì sai phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước", ông Dũng nói và mong được hưởng khoan hồng vì "lần đầu tiên phạm tội trong bối cảnh đại dịch".
Phạm Trung Kiên: "Bị cáo không muốn bị rời khỏi cuộc sống này"
Nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) cho hay: "Một lần nữa xin nhận tội trước hội đồng xét xử về hành động sai trái của mình".
Ông Kiên cho rằng vì những sai trái của bản thân và những người khác khiến hội đồng xét xử phải làm việc không mong muốn, tuyên án tù cho những người khác.
"Đây sẽ là bản án rất nghiệt ngã cho gia đình và cuộc đời bị cáo. Bị cáo không muốn bị rời khỏi cuộc sống này trong khi bị cáo mới chỉ hơn 40 tuổi", ông Kiên nói và gửi lời xin lỗi gia đình và mong tòa xem xét đến bối cảnh phạm tội trong thời điểm dịch bệnh, công việc buộc ông thường xuyên phải di chuyển, rất vất vả.
Cuối phần trình bày, ông Kiên bật khóc, mong hội đồng xét xử xem xét đến gia cảnh, hiện nay bố đẻ bị cáo là thương binh, mẹ đẻ bị tâm thần nhiều năm. Ông Kiên cũng trình bày hoàn cảnh bố vợ là thương binh, bị tai biến mạch máu, mẹ vợ bị ung thư…
"Một tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cuộc đời"
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - nói "trước tòa cảm thấy rất đau xót và hối hận".
Nữ bị cáo cho biết đau xót vì sau 27 năm cống hiến và làm việc tại Bộ Ngoại giao kể từ sau khi tốt nghiệp đại học. Trong suốt 27 năm đó, bà luôn theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, làm việc vì lợi ích của nhân dân, tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc, chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi cá nhân.
Nhưng bà Lan rất chua xót bởi vì những nhận thức chưa đầy đủ của bản thân về việc nhận quà và tặng quà nên phải đứng trước hội đồng xét xử.
Đáng chú ý, bị cáo Lan nói "cảm thấy đau đớn hơn nữa với sự đối đáp của viện kiểm sát sáng nay, bác bỏ về những cố gắng, nỗ lực của bị cáo cũng như tất cả cán bộ của Cục Lãnh sự trong công cuộc bảo hộ công dân trong suốt thời gian qua".
Bên cạnh đó, bị cáo cũng hối hận vì trong quá trình giải quyết các chuyến bay bị cáo nhận thức được không nên gặp đại diện các doanh nghiệp. Thực tế có nhiều doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay combo không cần gọi điện cho bị cáo nhưng Cục Lãnh sự vẫn kiến nghị các cấp để phê duyệt các chuyến bay cho doanh nghiệp.
"Bị cáo hối hận vì đã đồng ý gặp đại diện 8 doanh nghiệp do quá nể nang những người giới thiệu họ là những lãnh đạo của các cơ quan, những người bị cáo rất trân trọng.
Bị cáo hối hận vì đã không đủ bản lĩnh để vượt qua được những lời nói, sự khéo léo của đại diện các doanh nghiệp đến gặp, nói chuyện và tặng quà. Kết quả là bị cáo đã nhận quà. Đó là nguyên nhân buộc bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay", bà Lan phân trần và cho hay đã nhận ra việc nhận quà là sai trái, xin nhận lỗi và mong muốn được sửa chữa.
"Phiên tòa này sẽ kết thúc trong một vài tuần nữa, tuy nhiên sẽ có một phiên tòa, một tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cả cuộc đời.
Sẽ phán xét bị cáo tại sao lại làm như vậy để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, nhân dân, lòng tin của đồng nghiệp. Tại sao làm như vậy đến bây giờ bản thân bị cáo cũng như cả gia đình đã mất hết tất cả", bị cáo Lan xúc động nói.
Cuối phần trình bày, bà Lan cho biết gia đình mình rất neo người, có mẹ già hơn 80 tuổi đang nằm viện, có hai con nhỏ, bị cáo là mẹ đơn thân, từ ngày bị bắt gia đình không có người trụ cột.
"Bị cáo biết mình đã có tội với nhân dân, Nhà nước thì phải hoàn thành nghĩa vụ, nhưng bị cáo kính mong hội đồng xét xử, nhân dân phán xét mở lượng khoan hồng để cho bị cáo có cơ hội sớm trở về chăm sóc mẹ già và các con", bà Lan nói.
Khoảng 19h40 tòa nghỉ. Ngày mai, 22-7, phiên tòa tiếp tục với lời nói sau cùng của các bị cáo.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng tiếp tục kêu oan
Nói lời sau cùng, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tiếp tục khẳng định "bị truy tố oan".
"Bị cáo luôn luôn tin tưởng rằng với kinh nghiệm xử án, bản lĩnh của những người cầm cân nảy mực, tin tưởng rằng hội đồng xét xử sẽ có cái nhìn thấu đáo nhất, có phân tích thận trọng đầy đủ, khách quan, toàn diện vụ việc, trên cơ sở đó đưa ra phán quyết chính xác nhất, đúng quy định pháp luật nhất, đảm bảo tránh oan sai cho bị cáo", Hoàng Văn Hưng kết thúc lời nói sau cùng.
Viện kiểm sát đưa ra nhiều lập luận, dẫn chứng nhiều mốc thời gian trong quá trình hỏi cung để bác bỏ lời bào chữa của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng, cáo buộc bị cáo 'gian dối tinh vi che giấu hành vi phạm tội', 'tráo trở dựng chuyện'.