El Nino gây sức ép lên thị trường năng lượng
Trong khi thế giới đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19, lạm phát cao và cả những căng thẳng địa chính trị, sự trở lại của hiện tượng khí hậu El Nino lại càng làm gia tăng lo ngại về những thiệt hại mới đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science, việc chuyển từ hình thái La Nina lạnh hơn sang El Nino nóng hơn có thể làm giản sản lượng lao động, gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 3.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Hầu hết các ngành kinh tế đều sẽ chịu tác động nặng nề, trong đó ngành năng lượng được dự báo là một trong những đối tượng có thể đối mặt với áp lực lớn nhất, cả ở phía cung và cầu.
Hiện tượng El Nino được cho là nguyên nhân lớn nhất khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nhiều quốc gia tăng vọt. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cảnh báo, 2/3 khu vực Bắc Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện khi nhiệt độ tăng cao trong mùa hè này. Các chuyên gia của ngân hàng ANZ nhận định, nhu cầu về điện tăng cao sẽ thúc đẩy giá khí đốt, than... tăng mạnh, gây sức ép lên thị trường toàn cầu trong ngắn hạn.
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán cũng gây khó khăn cho lĩnh vực thuỷ điện, điện hạt nhân, đồng thời cản trở hoạt động của các tuabin gió vì sức gió yếu. Hội đồng điện lực Trung Quốc cho biết, tính đến tháng 5, sản lượng thủy điện từ các nhà máy lớn tại nước này đã giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành điện hạt nhân tại châu Âu cũng có thể đối mặt với nguy cơ giảm sản lượng khi nhiệt độ nắng nóng tăng cao, hạn chế khả năng làm mát nhà máy bằng nước sông như trong năm ngoái.
El Nino ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp
Một lĩnh vực kinh tế quan trọng khác là nông nghiệp cũng đang đối mặt với sức ép lớn từ thời tiết cực đoan. Tại Ấn Độ - một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, những hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đang gây nên không ít quan ngại tới nguồn cung lương thực toàn cầu bởi đây cũng đang là thời điểm quan trọng của vụ mùa hè thu tại Ấn Độ.
Nhiều địa phương của Ấn Độ đang ngập trong nước. Lũ lụt đã nhấn chìm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. Có thời điểm mực nước ghi nhận đạt kỷ lục trong vòng 40 năm.
Giáo sư Aniruddha Mukhopadhayay - Chuyên gia môi trường Ấn Độ cho biết: "Những năm qua, chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với nắng nóng bất thường. Thập kỷ 2010 - 2020 trở thành thập kỷ năng nóng kỷ lục. Nhưng cùng lúc, mật độ bão lũ cũng tăng lên. Các nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu đang hủy hoại chất lượng dinh dưỡng của nông sản, song song làm suy giảm năng suất cây trồng".
El Nino ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Lũ lụt lại đến ngay sau những đợt nắng nóng kỷ lục tại Ấn Độ. Số liệu của Trung tâm Khoa học Môi trường Ấn Độ cho thấy, trong 365 ngày của năm ngoái, có tới 314 ngày các địa phương của nước này phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Mía đường là cây trồng mới nhất phải hứng chịu cảnh mất mùa. Trong khi nhiều loại gạo hiện đã nằm trong danh mục cấm xuất khẩu, do năng suất bị ảnh hưởng.
Ông Pritish Kumar De - Doanh nghiệp Kinh doanh các sản phẩm từ gạo Max Grow life, Ấn Độ nói: "Như năm ngoái, Ấn Độ đã phải chứng kiến tình trạng mưa bất thường vào tháng 11, tháng 12. Đặc biệt là tại các bang phía Bắc, mưa như trút. Nó đã làm ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng gạo bởi đây cũng chính là thời điểm thu hoạch đối với lúa gạo".
Hiện tới 25% tổng sản lượng lương thực toàn cầu là xuất xứ từ Ấn Độ. Cách mạng xanh đã đưa đến những bước nhảy vọt về năng suất trong nông nghiệp. Vậy nhưng khi thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng khó lường, nông nghiệp Ấn Độ đang lo ngại bị tụt lại phía sau.
"Chúng ta thấy hạn hán ngày càng dữ dội tại nhiều vùng. Nhưng nông nghiệp hiện lại vẫn đang tiêu tốn tới 80% tổng lượng nước của Ấn Độ. Trong khi phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của tới 1,4 tỷ dân, chỉ cần có 5%. Thế nên, một yêu cầu rất quan trọng giờ đây là phải phát triển ngay những giống cây trồng chịu được hạn và cả những giống cây trồng thích nghi với lụt lội nữa", Aniruddha Mukhopadhayay - Chuyên gia môi trường Ấn Độ cho hay.
Trong năm ngoái, Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 3000 trường hợp tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhưng chưa hết, nắng nóng lũ lụt còn khiến mùa màng thất bát. Như lần gần nhất thế giới phải đối mặt với hiện tượng El Nino hồi năm 2016 thì tại Ấn Độ người ta đã chứng kiến tình trạng nông dân tự tử tăng vọt như tại các bang Maharashtra và Kanataka.
Tác động của El Nino tới kinh tế Mỹ
Ngoài năng lượng và nông nghiệp, nhiều ngành kinh tế khác cũng sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn sản xuất vì El Nino. Tình trạng thiếu hụt có thể khiến giá cả tăng mạnh, làm trầm trọng thêm bài toán lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo, các chu kỳ El Nino hoạt động mạnh có thể khiến lạm phát tăng 4 điểm phần trăm.
Ngay cả Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng nề. Các nhà nghiên cứu Mỹ chứng minh nước này thường để mất tới 3% trong tăng trưởng GDP trong khoảng 5 năm sau mỗi hiện tượng El Nino.
Nắng nóng kéo dài thường đi với mưa lớn, bão lụt gây thiệt hại cả về người và của. Ngành bảo hiểm, nông nghiệp hay năng lượng thường phải gánh chịu nhiều nhất. Ước tính thiệt hại do hậu quả thiên tai có thể cuốn đi của nền kinh tế Mỹ tới 380 tỷ USD trong năm nay, cao nhất trong lịch sử và cao gần gấp đôi năm ngoái.
Lịch sử cũng cho thấy, thời tiết cực đoan kiểu như El Nino thường trùng hợp với các đợt bán tháo của thị trường chứng khoán. Ví dụ như năm 2015 và 2016, cổ phiếu của khối ngành nông nghiệp, năng lượng và vật liệu thường bị bán ra nhiều nhất.
Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có một số cổ phiếu của các công ty như cơ khí kỹ thuật, sửa chữa nhà cửa, máy phát điện, pin, cấp thoát nước lại được mua vào.
Chính phủ các nước hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với El Nino
Có thể thấy El Nino đang gây ra những rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu, từ các nước phát triển đến đang phát triển. Ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Chính phủ ở các nước dễ bị tổn thương vì El Nino đã bắt đầu lên kế hoạch ứng phó.
Hồi tháng 3 năm nay, Chính phủ Peru đã tuyên bố dành khoản ngân sách hơn 1 tỷ USD để đối phó với các tác động của hiện tượng El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu trong năm nay.
Trong khi đó, Philippines - quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới, đã thành lập một đội ngũ chuyên trách nhằm đối phó với tác động của những hiện tượng thời tiết cực đoan. Các ngân hàng trung ương của Philippines và Ấn Độ đang theo dõi sát những diễn biến của El Nino để có thể đưa ra các chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các nền kinh tế đang phải đương đầu với áp lực từ nhiều phía. Theo nhận định của Bloomberg, khi mà thế giới đang phải vật lộn với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế cao, các ngân hàng trung ương sẽ bị hạn chế hơn trong việc hành động giảm thiểu thiệt hại kinh tế do El Nino.
Có thể thấy El Nino đang gây ra những rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu, từ các nước phát triển đến đang phát triển.
Tại Mỹ, người dân nước này giờ đây đã xác định mùa hè ngày một nóng hơn, kéo dài hơn là "bình thường mới". Để đảm bảo năng suất lao động trong điều kiện này, Bộ Lao động Mỹ vừa phải tiến hành kiểm tra trên cả nước về điều kiện làm việc của công nhân tại các nhà máy. Thậm chí cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nhà máy để lắp đặt thiết bị phù hợp giúp chống chịu tốt với nắng nóng, mưa bão.
Một yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới việc sản xuất nữa là điện. Bộ Năng lượng nước này cũng cung cấp khoản tài trợ hơn 2 tỷ USD trong vòng 5 năm cho các bang, khu vực nhằm hiện đại hóa lưới điện, tăng khả năng chống chịu khi nhu cầu sử dụng tăng cao.
Một chiến dịch có tên là Summer Ready Campaign cũng được triển khai. Chiến dịch này giúp cung cấp thông tin về các hiện tượng thời tiết mùa hè, mức độ nguy hại, cảnh báo người dân, doanh nghiệp. Từ đó giúp họ chuẩn bị tốt hơn, giảm thiệt hại tới mức tối thiểu.
Các chuyên gia dự báo, El Nino có thể kéo dài tới năm sau, trong khi cường độ thì từ trung bình tới mạnh và tiếp tục gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ buộc Chính phủ các nước phải tiếp tục theo dõi sát các diễn biến khí hậu và hành động một cách kịp thời để hạn chế tổn thất từ cơn bão kinh tế mà El Nino có thể mang lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.88611750122703202-dsu-yt-nihgn-gnah-ioh-yab-uac-naot-et-hnik-neihk-eht-oc-onin-le/et-hnik/nv.vtv