Động thái này được VKS đưa ra trưa 21/7, sau khi kết thúc vòng đối đáp. Cơ quan công tố cũng đề nghị tòa giải tỏa các tài sản cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đang bị kê biên, trả lại tài sản đã tịch thu trong giai đoạn điều tra gồm 210.000 USD, 146 miếng vàng và tài khoản ngân hàng có số dư một tỷ đồng.
Cựu thiếu tướng Tuấn bị truy tố tội Môi giới hối lộ với cáo buộc giúp doanh nghiệp đưa tiền chạy án cho điều tra viên Hoàng Văn Hưng. Hiện, bị cáo đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả, nộp đủ 1,85 triệu USD và là người nộp lại tiền nhiều nhất trong 54 bị cáo.
Liên quan vụ "chạy án" ông Tuấn môi giới, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) trước đó bày tỏ nguyện vọng được trả lại 800.000 USD, cho rằng đây là tài sản bị cựu điều tra viên Hưng lừa đảo khi hứa hẹn giúp không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trưa nay, VKS xác định số tiền này Hằng và Sơn đưa với mục đích hối lộ, "chạy án" nên không có căn cứ trả lại.
Ngoài ông Tuấn, VKS cũng đề nghị giảm án cho 8 bị cáo khác. Cụ thể, giảm một năm tù cho nhóm cựu cán bộ bị xét xử tội Nhận hối lộ, gồm: Trần Văn Dự, cựu cục phó Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an (còn 8-9 năm); Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (còn 7-8 năm); Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội (còn 3-4 năm) và ông Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (còn 3-4 năm).
Ở nhóm tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ, VKS đề nghị thay đổi từ án tù có thời hạn thành án treo với 4 bị cáo, gồm: Vũ Thùy Dương, Tổng giám đốc Công ty Lữ Hành Việt; Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại Du lịch Việt Nam (cùng mức 2-3 năm tù treo); Phạm Bá Sơn và Tào Đức Hiệp, nhân viên Công ty Thái Hòa (cùng 18-20 tháng tù treo).
"Qua trình bày của các bị cáo về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, thái độ khai báo, VKS nhận thấy cần điều chỉnh mức phạt để thể hiện tính khoan hồng và tính phân hóa vai trò, mức độ hành vi của các bị cáo", đại diện VKS nêu lý do.
Trước đó, đối đáp tổng thể quan điểm bào chữa trong vụ án, VKS cho rằng luật sư nói hành vi đưa nhận tiền của 54 bị cáo "không có sự hứa hẹn mà tự nguyện đưa nhận tiền cảm ơn" là không chính xác. Trong vụ án này, các bị cáo nhận hối lộ đã lợi dụng chức vụ để nhận tiền của doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cấp phép 372 chuyến bay.
"Hành vi đưa nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài. Trước đó phần lớn các bị cáo đều không quen biết nhau, không làm ăn với nhau nên không thể cảm ơn bằng những món quà tiền tỷ như vậy", VKS đánh giá. "Việc hứa hẹn giữa người đưa và nhận hối lộ là ngầm mặc định, theo một cơ chế. Các bị cáo đưa nhận hối lộ đều đủ khả năng nhận thức, biết rõ đây là hành vi bị nghiêm cấm nhưng vì mong đạt mục đích nên đã cố ý phạm tội".
Cơ quan công tố cáo buộc, hành vi của các bị cáo đã gián tiếp buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để có tiền hối lộ. Người chịu thiệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài, những người khao khát được về nước. "Trong khi Chính phủ có phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau' thì các bị cáo lại trục lợi, tạo ra cơ chế xin cho, kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân", VKS đánh giá đây là hành vi tham nhũng "rất nguy hiểm".
Vụ án "chuyến bay giải cứu" gồm 54 bị cáo bị truy tố ở 4 nhóm tội: 21 bị cáo tội Nhận hối lộ; 23 người tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 người tội Môi giới hối lộ; còn lại là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi VKS điều chỉnh mức án đề nghị, hiện còn một án tử hình, 48 án tù có thời hạn, 5 án treo.
Phiên tòa dự kiến kéo dài một tháng.
Phạm Dự - Thanh Lam
Xem thêm: lmth.9822364-ut-man-tom-maig-ihgn-ed-coud-ion-ah-na-gnoc-cod-maig-ohp-uuc/ten.sserpxenv