Ngày 22-7, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng thụ lý tin báo bị lừa hơn 2 tỉ đồng với chiêu thức nhận quà tặng qua mạng.
Lừa chuyển tiền để nhận quà tặng qua mạng
Theo đó, bà Nguyễn Thị N. (59 tuổi, ngụ huyện Đạ Huoai) cho biết ngày 8-7, bà tham gia đăng ký nhận quà hè trên Facebook. Sau khi đăng ký, trang “Quà Tặng Yody”… yêu cầu bà N. cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhận quà và hướng dẫn tạo tài khoản Telegram để cấp "phiếu xác nhận quà tặng".
Bà N. được hướng dẫn từng bước cho đến khi nhận được "phiếu xác nhận quà tặng" và mã nhận quà. Tiếp đó, bà N. được yêu cầu kết bạn và nhắn mã nhận quà với quản lý có tên Ngọc Anh qua phần mềm nhắn tin Telegram để được hướng dẫn.
Sau đó, username "giám đốc kinh doanh" hướng dẫn các bước giúp hệ thống các cửa hàng thời trang Yody tăng doanh số bán hàng trên các trang mạng thương mại điện tử.
Tiếp tục, tài khoản này đề nghị bà N. thanh toán trước 300.000 đồng bằng phương thức chuyển khoản. Sau khi hoàn thành tăng doanh số, bà N. sẽ nhận được 360.000 đồng, ngoài ra được nhận thưởng phần quà trị giá 500.000 - 2,5 triệu đồng.
Tối 17-7, sau một thời gian ngắn chuyển khoản 300.000 đồng, điện thoại bà N. báo tin nhắn đã nhận được 360.000 đồng. Ngay lập tức, bà N. được nhắn tin yêu cầu tham gia nhiệm vụ số 2, lúc này số tiền bà N. phải chuyển lên gần 2,6 triệu đồng và sẽ được hưởng hoa hồng 30%.
Với cách tương tự, nhóm lừa đảo dụ bà N. liên tục chuyển tiền với số tiền tăng dần lên 7,9 triệu, rồi 28 triệu, 88 triệu… 230 triệu đồng.
Hoa hồng bất thường
Ngày 18-7, bà N. được hướng dẫn làm việc với kế toán để giải ngân quà tặng với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Tài khoản xưng là kế toán còn nhắc bà N. thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước đúng luật.
Sau đó bà N. chuyển 151 triệu đồng, cung cấp lại số tài khoản cá nhân để được giải ngân quà tặng 1,5 tỉ đồng.
Ngày hôm sau, bà N. được tài khoản tự xưng kế toán thông báo kèm gửi cho bà hình chụp màn hình "Hệ thống nhắc nhở! Hoàn trả thất bại" với lý do đang đồng bộ dữ liệu. Và yêu cầu bà N. thanh toán tiếp 300 triệu đồng mới nhận được quà tặng.
Bà N. xin giảm vì hết khả năng thì được gia hạn đến 15h30 cùng ngày phải nộp đủ 300 triệu đồng. Lo sợ mất khoản tiền hơn 1,6 tỉ đồng quà tặng nên bà N. phải vay mượn đủ 300 triệu đồng để chuyển vào tài khoản tại một ngân hàng có tên “DOAN VAN CHI LINH”.
Sau khi chuyển tiền xong, kế toán trả lời đang phải thực hiện công chứng hồ sơ xác minh nguồn tiền và yêu cầu và N. nộp gần 254 triệu đồng phí công chứng. Sau khi vay mượn để chuyển khoản đủ số tiền công chứng, kế toán trưởng lại giới thiệu bà N. làm việc với một tài khoản có tên Trần Ngọc Thái Sơn, chức vụ "tổng giám đốc".
“Tổng giám đốc” cho biết bà N. là VIP, số tiền được nhận về hơn 2,36 tỉ đồng và bà phải nộp thêm 300 triệu đồng bảo hiểm rủi ro khi rút tiền. Bà N. năn nỉ trừ vào số tiền thưởng và yêu cầu chỉ cần gửi lại cho bà 1,8 tỉ đồng nhưng bị từ chối.
Sợ mất khoản tiền lớn, bà N. lại vay mượn thêm 200 triệu đồng chuyển khoản cho nhóm lừa đảo. Người tự xưng tổng giám đốc còn nhắn: "Chị cố gắng hoàn thành nốt số tiền 100 triệu đồng còn lại để ký lệnh giải ngân cho chị".
Thế nhưng đến tối 19-7, tổng giám đốc, kế toán trưởng… đều không thể liên lạc được. Lúc này bà N. mới biết mình bị lừa và nói với chồng con biết sự việc.
TTO - Có quá nhiều trò lừa đảo qua mạng nhắm đến túi tiền của người dùng điện thoại đang được kẻ xấu sử dụng, từ thủ đoạn tinh vi cho đến "bình dân".