Lễ trao tặng học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê năm 2023 có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc...
Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động và cam kết của Quỹ học bổng Trần Văn Khê, nhằm tôn vinh, khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc ở việc phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Học bổng Trần Văn Khê cho nam sinh đa tài
Là một trong những học sinh, sinh viên đầu tiên nhận học bổng, Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000) là người khiếm thị bẩm sinh, mất thị lực hoàn toàn. Chàng trai 23 tuổi theo học chuyên ngành sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Học bổng Trần Văn Khê rất có ý nghĩa trong cuộc sống của một người khiếm thị như Đức Thiện.
"Đây là một sự ghi nhận lớn từ các thầy, các cô, cùng mọi người trong tổ chức quỹ. Nó tiếp thêm động lực để em cố gắng hơn trong quãng đường học tập, gìn giữ, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc trong tương lai", Đức Thiện chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Trước đó, nam sinh viên đã đạt được nhiều thành tích và hoạt động âm nhạc dân tộc ấn tượng: hai giải A, một giải C tại Liên hoan hát xẩm toàn quốc năm 2022, tham gia festival âm nhạc dân tộc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan 2018...
Ngoài thổi sáo trúc, Thiện còn biết đánh phách trong hát xẩm, kéo nhị, chơi piano và organ.
Các em nhận học bổng còn lại đang theo học các chuyên ngành nhạc cụ truyền thống từ ba trường âm nhạc hàng đầu cả nước (Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế). Trong đó, độ tuổi nhỏ nhất là 11.
6 chân dung cống hiến cho văn hóa dân tộc
Bên cạnh học bổng, giải thưởng Trần Văn Khê đã được trao cho 6 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo có sự dày công trong thực hành âm nhạc dân tộc Việt Nam trên nhiều phương diện.
Đó là nhà giáo, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Văn Đời; nhà nghiên cứu, PGS.TS Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng; tiến sĩ, NSƯT Cồ Huy Hùng; nhạc sĩ, thạc sĩ Phan Nhứt Dũng.
"Đối với Hải Phượng hay những học trò thân thiết thì thầy Trần Văn Khê chưa bao giờ đi xa. Thầy luôn bên cạnh chúng tôi trong những buổi biểu diễn, trong lúc truyền dạy cho học trò.
Thầy thường hay nói một cái cây mà muốn ra hoa đẹp, cành lá xanh tươi thì cần có một bộ rễ tốt. Để một truyền thống phát triển như ngày hôm nay thì cần giống như bộ rễ đó.
Nhớ lời thầy, chúng tôi luôn chú trọng đến việc hát những bài bản xưa, lưu giữ những điều cổ truyền, làm cái gốc vững vàng cho nhiều thế hệ có thể quay về", nghệ sĩ Hải Phượng xúc động khi nhớ lời thầy.
Quỹ học bổng Trần Văn Khê thành lập năm 2021, là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của Nhóm thân hữu Trần Văn Khê.
Đây là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của quỹ.
Quỹ được thành lập theo di nguyện của giáo sư Trần Văn Khê, nhằm kịp thời động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc.
TTO - Sáng 15-1, tại Bảo tàng TP.HCM, nhóm thân hữu Trần Văn Khê, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM và Bảo tàng TP.HCM phối hợp tổ chức buổi ra mắt sách 'Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp' để bán góp quỹ học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê.